Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu. (Nguồn: Báo Công thương) |
Sức hấp dẫn không đổi
Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 trong hơn ba năm qua đã tạo nên những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thách thức chưa từng xảy ra đã tạo nên những đứt gãy nghiêm trọng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này khiến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tuy nhiên, chính biến động bất ngờ này đã tạo nên những thách thức và cả cơ hội cho thế giới, trong đó có cái nhìn mới mẻ hơn, linh hoạt và bền vững hơn về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi những ảnh hưởng do sự co lại của thương mại toàn cầu xuất hiện, các công ty đa quốc gia phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung vật liệu và sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp, người dân và cả các cơ quan chính phủ đều gặp khó khăn trong việc mua sắm hàng hóa và sản phẩm cơ bản.
Từ thực tế cấp bách - cần giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp toàn cầu đã hướng đến đa dạng hóa nguồn cung, thay vì phụ thuộc vào một nguồn như trước. Sự chuyển dịch này được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho những trung tâm sản xuất như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Không nằm ngoài những tác động tiêu cực, chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng vì bị gián đoạn. Nhưng không vì lý do đó, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung toàn cầu bị suy giảm.
Trước đại dịch, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, chip điện tử và ôtô.
Trong và sau đại dịch, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất ngày càng quan trọng hơn. Trải qua nhiều khó khăn, các nhà đầu tư vẫn dành sự tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và tiếp tục lựa chọn là thị trường đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất. Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến - chế tạo ngày càng gia tăng, mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bằng chứng cụ thể chính là sóng đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đến từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng rõ nét, đưa Việt Nam dần trở thành địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dấu ấn đầu tiên là đầu tư của Samsung (Hàn Quốc) với 4 cơ sở sản xuất, đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Cuối năm 2022, Samsung chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội, với tham vọng phát triển thành cứ điểm chiến lược của hãng về nghiên cứu và phát triển quy mô lớn.
Dấu ấn tiếp theo phải kể đến là hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G… đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điểm đặc biệt, hiện không chỉ là nhà cung cấp chính trong lĩnh vực dệt may, giày dép cho thị trường hàng đầu thế giới, xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất đã đưa Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Apple đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Trong một báo cáo, Tập đoàn Tài chính Australia & New Zealand Banking Group đã nhận định: “Đại dịch không làm thay đổi sức hấp dẫn của Việt Nam trong tư cách là một trung tâm sản xuất, mà còn có nhiều không gian linh hoạt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế”.
Foxconn - đối tác sản xuất thiết bị cho hãng Apple đã quyết định đầu tư dự án với tổng số vốn 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An. (Nguồn: Reuters) |
Một mắt xích quan trọng
Thực tế cho thấy, bài toán tham gia bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên cấp thiết hơn khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu và đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng.
Theo phân tích mới nhất của Công ty Tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX Global, so với các nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 25 năm qua và phát triển rất tốt sau đại dịch. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng không ít. Nhìn chung, những gián đoạn này khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may và điện tử.
Ngoài ra, dù Việt Nam được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất và doanh nghiệp di dời nhà máy của họ khỏi Trung Quốc trong năm ngoái, song cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong hoạt động xuất khẩu. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm, do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam lúc này là phải tăng cường khả năng chuỗi cung ứng để chống chọi tốt hơn với áp lực kinh tế.
Vì vậy, yêu cầu nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất của thế giới. Hiện thực hóa các mục tiêu đó, cần có những doanh nghiệp mạnh, có vai trò đầu tàu dẫn dắt kết nối với các doanh nghiệp khác trở thành các doanh nghiệp vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một yếu tố cơ bản khác trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc trong tương lai là số hóa mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp. Bằng cách vận dụng hiệu quả công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) và loT (Internet vạn vật), chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng xoay trục qua các nhà cung cấp thay thế khi xảy ra gián đoạn. Xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và tiết kiệm thời gian là chìa khóa quan trọng giúp thương mại toàn cầu vượt qua “sóng gió” trong tương lai.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Vị thế ngày càng quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới một lần nữa được các chuyên gia và tổ chức quốc tế như Ngân hàng HSBC, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện chính sách Australia - Việt Nam… khẳng định trong các phân tích của mình.
Báo cáo mới nhất với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng”, Ngân hàng HSBC nhận định, với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, đến nay Việt Nam dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ, các mặt hàng điện tử, linh kiện điện thoại di động…
Chuyên gia Ishiguro Yohei, Cố vấn cấp cao của JICA, Văn phòng Việt Nam đánh giá, “trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Covid-19, vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn. Không hề quá lời khi nói rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nhật Bản, vì vậy việc củng cố và phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng của Việt Nam là vô cùng cần thiết đối với các công ty Nhật Bản”.
Trong bài phân tích về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau Covid-19, chuyên gia Raymond Mallon - Viện chính sách Australia - Việt Nam có chung nhận định rằng, “doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Họ đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, để tăng năng suất và thu nhập”.
Mới đây nhất, tờ Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam đã đạt được vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu; nền kinh tế duy nhất với quy mô và mức độ phát triển lọt vào tốp 6 trong danh sách nhà cung cấp đáng thèm muốn của Apple. “Thành công của Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng rất nổi bật. Đặc biệt, quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không đối thủ đáng kể nào ở châu Á sánh kịp”.
Rõ ràng Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu và có khả năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới trong thời gian tới.