📞

Vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ đang lung lay, Trung Quốc sẽ soán ngôi?

Việt An 14:00 | 01/04/2021
Kể từ những năm 1970, Trung Quốc đã chạy đua để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 có thể giúp Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ trong thập kỷ này.
Trung Quốc có thể bắt kịp nhanh chóng và có khả năng lật đổ Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Nikkei Asian)

Sự phục hồi hình chữ V của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển kinh tế quan trọng nhất trong thế kỷ này, bắt kịp nhanh chóng và có khả năng lật đổ Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đang chiếm ưu thế

Năm 2000, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 11,8% GDP của Mỹ. Quốc gia này trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, sau đó, Trung Quốc cuốn vào dòng xoáy đô thị hóa và trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, Trung Quốc đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến năm 2012, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ở mức vừa phải, một phần do nhu cầu toàn cầu giảm và lợi tức đầu tư giảm. Nhưng quốc gia này vẫn tạo ra lợi nhuận ổn định cho Mỹ mỗi năm, ngoại trừ năm 2016 khi đồng tiền của Trung Quốc mất giá.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lại khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bùng nổ một lần nữa. Là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang trải qua cơn “co thắt” chưa từng thấy kể từ Đại suy thoái 2008-2009, Trung Quốc đã tăng tỷ trọng sản lượng toàn cầu và thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Theo một số dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2028 - sớm hơn hai năm so với dự kiến trước đại dịch.

Mối đe dọa lớn nhất

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ không để Trung Quốc vượt qua Mỹ, đồng thời hứa sẽ chi nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Trung Quốc có mục tiêu tổng thể là trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, quốc gia giàu có nhất thế giới và quốc gia quyền lực nhất thế giới. Điều đó sẽ không xảy ra dưới thời của tôi”, Tổng thống Biden nói.

Tổng thống Mỹ cũng đang tăng các biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các lĩnh vực công nghệ quan trọng như vi mạch.

Khoản kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden đưa Mỹ vào quỹ đạo năm 2021. Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Những kế hoạch này của Mỹ có thể giữ kinh tế Trung Quốc ở vị trí thứ hai lâu hơn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang vấp phải sự phản đối gay gắt hơn ở những quốc gia khác. Ở châu Âu, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với việc sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn. Ở châu Á, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang kết hợp với Mỹ để tạo ra một khối địa chính trị nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trang Bloomberg nhận thấy, những nỗ lực của các quốc gia trên không ngăn được Trung Quốc. Giới lãnh đạo đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng để tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035.

Chính phủ đang tăng chi tiêu cho nghiên cứu khoa học và đổi mới khi tìm cách trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

"Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, nhưng thời gian và xu hướng đang đứng về phía chúng ta", Chủ tịch Tập Cận Bình nói vào tháng 1/2021.

Năm 2020, lần đầu tiên nước này thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn Mỹ và số lượng công ty Trung Quốc trong danh sách lớn nhất thế giới của Fortune đã vượt qua Mỹ. Chiến tranh thương mại, tỷ trọng thương mại toàn cầu của Trung Quốc thực sự tăng với tốc độ kỷ lục khi thế giới "săn đón" khẩu trang, thiết bị y tế và đồ gia dụng của quốc gia này.

Không có gì đảm bảo

Mặc dù vậy, không có gì đảm bảo và các chuyên gia cảnh báo, sự phát triển của Trung Quốc sẽ bị đình trệ. Dân số già và nợ chính phủ khổng lồ sẽ khiến Trung Quốc bị giới hạn ở vị trí thứ hai. Mức nợ chính phủ tăng cao đe dọa sự sụp đổ tài chính.

Bên cạnh đó, vấn đề nhân khẩu học cũng không có lợi cho Trung Quốc. Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc mới đây dự báo, tình trạng già hóa dân số của nước này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và đang ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo cơ quan này, dân số đến tuổi lao động của Trung Quốc liên tục giảm hơn 3 triệu người/năm kể từ năm 2012 và ngày càng giảm mạnh. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, số người ở độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm thêm 35 triệu, trong khi người cao tuổi lại tăng lên hơn 300 triệu.

Tình trạng dân số ngày càng già đi trong khi tỷ lệ sinh giảm đang khiến Trung Quốc đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là năng suất lao động tăng trưởng chậm. Rủi ro là ngay cả khi Trung Quốc vượt qua Mỹ, nước này có thể tụt lại phía sau một lần nữa khi tốc độ già hóa nhanh làm xói mòn sức sống của nền kinh tế.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, trừ khi Trung Quốc thu hút được nhiều người nhập cư hoặc thúc đẩy được đáng kể sự tham gia của lực lượng lao động, nước này sẽ không dễ duy trì được năng suất lao động. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất để duy trì tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ tới.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết, các dự báo về việc Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ giả định rằng, Trung Quốc có thể tăng năng suất và chi tiêu vốn đủ lớn để bù đắp lực cản nhân khẩu học.

"Dù Trung Quốc có vươn lên vị trí thứ nhất hay không vẫn còn phải xem xét, nhưng rõ ràng Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị kinh tế của mình trong nhiều thập kỷ trong một cuộc cạnh tranh đang định hình lại trật tự thế giới", ông Orlik nhấn mạnh.

(theo Bloomberg)