Ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Hollande cùng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng mua máy bay và thỏa thuận ghi nhớ giữa nhà sản xuất máy bay Airbus và các hãng hàng không của Việt Nam mà theo ông Fabrice Brégier, Tổng Giám đốc tập đoàn Airbus, có tổng giá trị lên đến 6,5 tỷ USD. Nhiều bản ghi nhớ được ký kết nhân dịp này, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa Trung tâm Quốc gia nghiên cứu không gian của Pháp (CNES) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
Các báo Pháp nhận định, mục đích của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Le Monde cho rằng với tốc độ tăng trưởng 6,7% năm 2015, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực. Les Echos khẳng định, Hà Nội đã trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Pháp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Phap Francois Hollande duyệt đội danh dự. |
Có thể nói chuyến thăm của Tổng thống Hollande là sự kiện được cả hai bên mong đợi từ lâu. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Pháp kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Jacques Chirac năm 2004. Trải qua hơn 40 năm phát triển quan hệ (từ 12/4/1973), hai nước đã cùng nhau vượt qua những thăng trầm của lịch sử để cùng vun đắp một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, lâu dài, với kết quả cao nhất là việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tháng 9/2013.
Tại các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang; hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng thống Hollande khẳng định mối quan hệ Việt Nam - Pháp có nền tảng lịch sử gắn kết lâu dài và nhiều tiềm năng để phát triển. Về phần mình, các nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. |
Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quan hệ chính trị thông qua trao đổi đoàn; tăng cường giao lưu văn hóa; mở rộng và phát triển dạy tiếng Pháp tại Việt Nam thông qua hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục; tập trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại trên các lĩnh vực hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm... Tổng thống Hollande khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục và có thể sẽ còn tăng hơn nữa các khoản tài trợ cho Việt Nam, đặc biệt trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, chống biến đổi khí hậu, đa dạng hóa, đa phương hóa các loại năng lượng…
Hai bên nhất trí tiếp tục chia sẻ quan điểm và trao đổi phối hợp trong các diễn đàn đa phương. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7/2016, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
"Tình cảm giữa hai nước đã giúp xây dựng được nền tảng hợp tác song phương”, Tổng thống Pháp nói khi phát biểu về “tương lai chung” của Pháp và Việt Nam. Chuyến thăm với những kết quả tích cực sẽ là một sự kết nối giữa lịch sử và tương lai hai nước, là một dấu mốc quan trọng tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.