Các nhân viên kiểm lâm Kenya được trang bị vũ khí để bảo vệ tê giác, đề phòng những kẻ săn bắn trộm. (Nguồn: ensia.com) |
Hơn một thập kỷ qua, trước vấn nạn buôn bán động vật hoang dã, việc bảo tồn tê giác châu Phi trở thành mối quan tâm lớn. Hầu hết tê giác hiện sống ở Nam Phi, chiếm 79% tổng số tê giác toàn châu Phi, số còn lại sống ở Kenya, Namibia và Zimbabwe.
Vì lời đồn thổi hão huyền về tác dụng chữa nhiều bệnh của sừng tê giác châu Phi, nhiều người, đặc biệt ở một số quốc gia châu Á, sẵn sàng chi khoản tiền lớn để “săn lùng” và buôn lậu chúng như những món hàng đắt giá, đẩy loài động vật khổng lồ này đến bờ vực tuyệt diệt.
Câu chuyện buồn
Tê giác gồm nhiều loài như tê giác đen, tê giác trắng.
Tê giác trắng là loài động vật trên cạn lớn thứ hai đang sống trên Trái đất. Mỗi cá thể trưởng thành có chiều dài tới 4m và nặng từ 1,6-3,5 tấn. Loài tê giác trắng có hộp sọ lớn và hai sừng, riêng sừng phía trước có thể phát triển dài tới một mét.
Tê giác trắng gồm hai phân loài nhỏ phương Bắc và phương Nam. Trong đó, phân loài tê giác trắng phương Bắc được liệt kê vào loại cực kỳ nguy cấp.
Cuối những năm 1960, số lượng tê giác trắng phương Bắc trên thế giới còn khoảng 2.000 con. Tuy nhiên, hiện nay loài này chỉ còn hai con cái, chúng chính là một cặp mẹ - con, được đặt tên lần lượt là Najin và Fatu.
Có thể được coi là hai “báu vật cuối cùng” của loài tê giác trắng phương Bắc, cặp mẹ con tê giác này là biểu tượng cho một loài đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Theo tạp chí New Scientist, phần lớn hy vọng về tương lai của loài tê giác trắng phương Bắc đặt vào cặp mẹ con tê giác này. Tuy vậy, cả hai đều không thể mang thai nên các chuyên gia đang chuyển sang các giải pháp liên quan đến di truyền và sinh sản.
Các nhà nghiên cứu tại Liên minh động vật hoang dã tại vườn thú San Diego ở California (Mỹ) đã nghiên cứu tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc vốn được lưu trữ trong “Vườn thú đông lạnh” (frozen zoo) - kho lưu trữ vật liệu di truyền của hơn một nghìn loài khác nhau. Họ sử dụng mô hình máy tính để xem sẽ như thế nào nếu vật liệu di truyền của những con tê giác này được dùng để tạo ra tế bào tinh trùng và trứng, sau đó chuyển thành phôi và cho loài tê giác trắng phương Nam có quan hệ gần gũi mang thai hộ. Công việc này hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.
Theo tổ chức bảo tồn tê giác Save the Rhino, châu Phi hiện còn khoảng 5.000 cá thể tê giác đen. Chúng được Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) phân loại là cực kỳ nguy cấp, với ba phân loài còn sót lại: Tê giác đen phía Đông (Eastern Black Diceros b. michaeli), tê giác đen phía Nam Trung bộ (South-central Black D. b. minor) và tê giác đen phía Tây Nam (South-western Black D. b. bicornis). Phân loài tê giác đen phía Tây được xác nhận tuyệt chủng vào tháng 11/2011.
Vườn quốc gia Pilanesberg (Nam Phi) rộng 55.000ha từ lâu được quy hoạch thành nơi sinh sống của loài tê giác đen. Tuy nhiên, chúng bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn trộm để lấy sừng. Để bảo vệ quần thể tê giác tại đây, các nhà quản lý buộc phải cắt sừng toàn bộ số tê giác từ năm 2020. Nhờ vậy, từ đó đến nay đã không xảy ra bất kỳ vụ săn trộm nào.
Chung tay giải bài toán khó
Bảo tồn loài tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng là bài toán khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức và cá nhân.
Theo các nhà bảo tồn đánh giá, Kenya tương đối thành công trong việc khôi phục quần thể tê giác đen, vốn đã giảm từ khoảng 20.000 con vào những năm 1970 xuống dưới 300 con vào giữa những năm 1980 do nạn săn bắn trộm. Tình hình khi đó đã gây ra lo ngại rằng loài động vật này có thể bị xóa sổ hoàn toàn ở quốc gia Đông Phi.
Kenya hiện có khoảng 1.000 con tê giác đen, quần thể lớn thứ ba sau Nam Phi và Namibia. Theo ông Tom Silvester, Giám đốc điều hành của Khu bảo tồn Loisaba, Kenya có kế hoạch phát triển số tê giác đen lên 2.000 con trong thập kỷ tới.
Một trong những nỗ lực bảo tồn loài động vật ăn cỏ khổng lồ này có thể kể đến việc, kể từ năm 2010, ngày 22/9 được chọn là Ngày tê giác thế giới, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn tê giác.
Vào Ngày tê giác thế giới 22/9/2021, nhà chức trách Ấn Độ đã thiêu hủy 2.479 sừng tê giác để xóa bỏ quan niệm huyễn hoặc về công dụng kỳ diệu của chúng.
Trên thực tế, đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được sừng tê giác có công dụng chữa bệnh. Cụ thể, các nhà khoa học đã phân tách sừng tê giác và xác định sừng tê giác có cấu trúc dạng ống liên kết với nhau, giống cấu trúc của mỏ chim và móng ngựa. Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc keratin cứng. Keratin là một dạng protein hình sợi, có trong tóc và móng tay của con người, móng ngựa, và vuốt của các loài động vật.
Vấn đề tăng cường thực thi pháp luật và xây dựng chính sách rất cần thiết để cứu cho các quần thể tê giác châu Phi còn lại không bị tuyệt chủng.
Cộng đồng bảo vệ động vật hoang dã mong muốn các chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh với các vi phạm về động vật hoang dã nói chung và tê giác nói riêng.
Góp phần ứng phó với nạn săn bắn trộm tê giác trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nỗ lực giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và tăng cường quản lý bằng các chính sách ngăn chặn tình trạng buôn bán sừng tê giác.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán sừng tê giác, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay bảo vệ loài tê giác…
Các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc điều tra, làm rõ các đường dây buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép; áp dụng các bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng phạm tội để răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.