Phiên họp có sự tham dự đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 71 Peter Thomson, cùng các đoàn đại biểu cấp cao từ hơn 110 quốc gia và tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị cấp cao sáng 28/2, Khóa họp 34 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tại Geneva. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao sáng 28/2, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao những kết quả HĐNQ đạt được trong 11 năm kể từ khi thành lập, đồng thời nhấn mạnh HĐNQ cần tăng cường thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con người như các quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, sức khỏe, giáo dục, bảo đảm tính gắn kết giữa quyền con người với các vấn đề phát triển, duy trì hòa bình, an ninh, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, hơn lúc nào hết, HĐNQ nói riêng và LHQ nói chung cần khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương, tinh thần đối thoại và hợp tác trong xử lý vấn đề nhân quyền cũng như các thách thức toàn cầu.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đặc biệt nhấn mạnh các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam tại HĐNQ, trong đó có việc giới thiệu Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em, chuỗi các cuộc tọa đàm quốc tế về bảo đảm môi trường làm việc cho người khuyết tật, quyền của người lao động trên biển, giáo dục phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em gái. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp tích cực để HĐNQ trở thành một cơ chế hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề cập đến một số thách thức Việt Nam đang phải đương đầu, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực để bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người.
Thứ trưởng đề cao một số nỗ lực và thành tựu của Việt Nam như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR (Cơ chế rà soát định kỳ về nhân quyền) mà Việt Nam chấp thuận, xây dựng các chương trình hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nỗ lực trong việc triển khai các chương trình phát triển, đặc biệt là việc hỗ trợ người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào các sáng kiến khu vực và quốc tế liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, cùng các nước ASEAN xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hòa bình
Trước đó, phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao chuyên đề ngày 27/2 về “Nhân quyền trong xây dựng hòa bình thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế và kêu gọi hệ thống phát triển của LHQ tích cực hỗ trợ các quốc gia trong việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong tiến trình xây dựng hòa bình.
Thứ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về xây dựng hòa bình cũng như việc bảo đảm các nhu cầu của người dân sau chiến tranh. Thứ trưởng cũng đề cập đến nghị quyết về bảo đảm nhu cầu của phụ nữ giai đoạn hậu chiến mà Việt Nam đưa ra khi còn là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
*Bên lề Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã gặp gỡ và làm việc với Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thái Bình Dương của Australia về chủ đề bình đẳng giới, cũng như có các cuộc tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Gruzia, Quốc Vụ khanh về châu Á – Thái Bình Dương của Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Uruguay, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan.
Tại các cuộc tiếp xúc nói trên, các bên đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến hợp tác song phương với trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như một số vấn đề toàn cầu, khu vực cùng quan tâm.
Việt Nam cũng chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Các nước đối tác đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác cùng có lợi với Việt Nam; đồng thời chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.