Lễ ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) chiều 11/12 tại Hà Nội. |
Hôm nay, Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương (UKVFTA). Xin ông cho biết, tiến trình, kết quả cũng như các cam kết chính của Hiệp định?
Việt Nam và Vương quốc Anh bắt đầu trao đổi về FTA song phương từ tháng 7/2017 trong khuôn khổ Ban Công tác về Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Anh. Sau gần 3 năm rưỡi đàm phán với 6 phiên chính thức cấp Trưởng đoàn và nhiều phiên kỹ thuật, trao đổi giữa kỳ, đến nay hai bên đã hoàn tất đàm phán. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, hai bên đã tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán thông qua các phiên họp trực tuyến.
Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa hầu hết các cam kết của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đồng thời quy định các ngoại lệ, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với đặc thù thương mại giữa hai nước.
Theo đó, Hiệp định sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế trong 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; quy định cụ thể hơn về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo, cộng gộp quy tắc xuất xứ, tỷ lệ góp vốn trong ngân hàng thương mại, chỉ dẫn địa lý…
Hai bên cũng hướng tới đàm phán một hiệp định đầu tư song phương mới. Ngoài ra, các cam kết trong nhiều lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững,… cũng được thống nhất trên cơ sở kế thừa các cam kết của Hiệp định EVFTA.
Xin ông cho biết việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKFFTA trước khi 31/12/2020, thời điểm Anh kết thúc thời gian chuyển tiếp sau Brexit và rời EU, có ý nghĩa như thế nào?
Sau khi Anh và EU ký Hiệp định về việc Anh rời khỏi EU ngày 24/1/2020, hai bên đã thống nhất thời hạn chuyển tiếp đến 31/12/2020 để có thời gian thảo luận và thống nhất về nhiều lĩnh vực trong quan hệ Anh – EU, đặc biệt là các ưu đãi kinh tế, thương mại, đầu tư trong khuôn khổ một FTA.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về FTA trước thời hạn trên, hoặc nếu thời hạn trên không được gia hạn, quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời quan hệ thương mại giữa Anh với các đối tác FTA của EU, trong đó có Việt Nam, cũng không còn các ưu đãi như trước.
Như vậy, việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKFTA trước 31/12/2020 có ý nghĩa quan trọng, qua đó bảo đảm duy trì các ưu đãi kinh tế - thương mại giữa hai nước trên cơ sở Hiệp định EVFTA, giúp cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh không bị gián đoạn và chịu các chi phí cao hơn.
Theo ước tính sơ bộ, khi thực hiện hết lộ trình giảm thuế, Hiệp định UKVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm khoảng 151 triệu USD giá trị thuế nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp Anh cũng giảm được 48 triệu USD thuế nhập khẩu. Việc thực thi UKVFTA sẽ góp phần tiếp tục đa dạng hóa thị trường và thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Năm 2020 đánh dấu những kết quả quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc bắt đầu triển khai Hiệp định EVFTA, ký kết Hiệp định RCEP và nay là kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA. Ông đánh giá thế nào về những kết quả này?
Năm 2020 đánh dấu một trong những giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua do sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thực thi Hiệp định EVFTA, ký kết Hiệp định RCEP và hôm nay là kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA, là những bước đi khẳng định vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam đóng góp vào tăng cường liên kết kinh tế, ủng hộ tự do hóa thương mại mở, minh bạch, dựa trên luật lệ và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Các thành tựu trong đàm phán và triển khai FTA đạt trong năm 2020 cũng như trong vài năm qua, nhất là các FTA toàn diện và thế hệ mới, giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế quốc tế, tăng cường mức độ gắn kết về kinh tế với thế giới và khu vực, nâng cao vai trò tại các cơ chế đa phương và tích cực tham gia vào quá trình định hình cấu trúc, luật lệ mới.
Xin cảm ơn ông!