Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dựa trên số liệu y tế của 163 quốc gia công bố ngày 6/7 trên tạp chí Lancet của Pháp, cho thấy, số ca tử vong do viêm gan, các bệnh lí về gan, ung thư do viêm gan virus đã tăng từ 890.000 trong năm 1990 lên 1,45 triệu ca vào năm 2013.
Trong khi đó, năm 2013 ghi nhận số người chết vì AIDS là 1,3 triệu người, lao phổi là 1.4 triệu người và sốt rét là 855.000 người. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết thêm, số người chết vì lao phổi và sốt rét giảm so với năm 1990.
Viêm gan do virus được xem là căn bệnh chết người số một của thời đại mới. (Nguồn: healthline) |
Viêm gan là bệnh thường do virus gây ra, song có nhiều trường hợp là do biến chứng của việc lạm dụng thuốc điều trị, rượu bia, một số bệnh viêm nhiễm hoặc một số bệnh tự miễn dịch. Có 5 loại viêm gan gồm A, B,C, D và E.
Theo WHO, viêm gan A và E là do gan bị thương tổn khi phải chuyển hóa thực phẩm và nước nhiễm khuẩn. Các trường hợp viêm gan B,C và D là do có tiếp xúc với chất dịch lỏng của người mắc bệnh.
WHO ước tính, 95% người nhiễm bệnh không phát hiện sớm tình trạng của mình mặc dù điều trị viêm gan B và C có thể ngăn chặn sự phát triển các các bệnh về gan. Vaccine phòng chống viêm gan A, B, thậm chí cả C rất phổ biến hiện nay, nhưng vẫn có khoảng 90% số ca tử vong do viêm gan đều là do viêm gan B và C.
Phần lớn số ca tử vong đều tập trung tại khu vực Đông và Nam Á. Thông qua báo cáo trên, các nhà nghiên cứu muốn kêu gọi cần phân bổ lại nguồn quỹ phòng chống bệnh để các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình có thể tiếp cận dịch vụ y tế hiệu quả hơn.
Ngoài ra, WHO cũng nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của đại dịch gây thiệt hại đến tính mạng, tiền của đối với toàn thể loài người, mỗi ngày giết chết hơn 4.000 người. Đặc biệt, đến nay tuy nhiều quốc gia đã quan tâm đến cách phòng, chống đại dịch viêm gan do virus, song, sự lây lan đáng kể vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus cao. Do đó, WHO đưa ra một số khuyến cáo hết sức thiết thực: Tiêm vaccine phòng viêm gan B là phương pháp có hiệu quả nhất; bảo đảm an toàn trong tiêm chích và trong truyền máu; cần phát hiện và điều trị đúng những người bị viêm gan B và C...
Trước đó, vào năm 2015, một báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, viêm gan do virus đang ngày càng nghiêm trọng, số người nhiễm viêm gan B ngày càng gia tăng, đã lên đến con số hai tỷ người. Hằng năm, số người bị viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, ung thư gan lên tới 500 triệu người, đồng thời gây ra cái chết của hơn 1,4 triệu người. Hiện nay, số người mắc vẫn tiếp tục tăng, tùy theo vùng miền, châu lục, nhưng tỷ lệ nhiễm viêm gan C là khoảng 3% số dân trên toàn thế giới; đối với nhiễm viêm gan B thì cứ hơn ba người có một người mang virus. “Đại dịch” do viêm gan do virus gây ra rất nghiêm trọng, song các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia chưa có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn.
Chính vì điều này mà từ năm 2010, WHO đã quyết định lấy ngày 28/7 hằng năm là Ngày viêm gan thế giới như là hồi chuông báo động và kêu gọi các quốc gia hãy hành động ngay, trước khi quá muộn, thậm chí, WHO cũng phải dùng đến cụm từ "kẻ giết người thầm lặng" để nhấn mạnh sự nguy hiểm của căn bệnh này.