Biển Đông là chủ đề thảo luận quan trọng tại cuộc gặp giữa bốn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines tại Hawaii ngày 2/5. (Nguồn: Kyodo) |
Trang mạng của Viện Lowy ngày 9/5 đăng bài viết của học giả quan hệ quốc tế có tiếng của Philippines, ông Richard Javad Heydarian cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh ởBiển Đông, một nhóm mới được hình thành – trong đó có sự tham gia của Philippines - sẽ tạo ra thế cân bằng mới.
Thế cân bằng mới
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiếp đón những người đồng cấp đến từ 3 quốc gia đồng minh là Nhật Bản, Australia và Philippines tại Hawaii - nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM).
Tại cuộc gặp mặt lần thứ hai này, Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước nhấn mạnh cam kết trong việc “thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an ninh và thịnh vượng”. Trước đó, họ đã gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2023.
Mặc dù 4 nhà lãnh đạo quốc phòng không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng mục đích chính của nhóm “Bộ tứ mới" (Squad) này là hướng đến Trung Quốc.
Trên thực tế, cuộc gặp này diễn ra không lâu sau cuộc tuần tra chung 4 bên mang tính lịch sử ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán với Philippines ở vùng biển tranh chấp.
Bộ trưởng Austin cho rằng cuộc gặp 4 bên này là một bước quan trọng để “vạch ra một lộ trình đầy tham vọng” hướng tới một trật tự dựa trên luật lệ ở châu Á, và quan trọng hơn là nhấn mạnh tầm quan trọng của “răn đe” trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sự kết tinh của nhóm “Bộ tứ mới” là minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác “tiểu đa phương” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như những thay đổi từ từ nhưng mạnh mẽ trong quan điểm chiến lược của Philippines.
Sự kết tinh của nhóm “Bộ tứ mới” là minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác “tiểu đa phương” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Ảnh: Getty Images) |
Ngăn chặn chiến thuật "vùng xám"
Không thể đánh giá thấp sự xuất hiện của Bộ tứ (Quad), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Nhóm đã minh chứng cho tính khả thi của việc hợp tác linh hoạt theo từng vấn đề cụ thể khi đối mặt với những mối đe dọa nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã bộc lộ những giới hạn trong nhóm. Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar từng cho biết tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua rằng, Bộ tứ “không có một hiệp ước, một cơ cấu, một ban thư ký” vì chủ yếu nói về “4 quốc gia có lợi ích chung, giá trị chung, những nước nằm ở 4 góc của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trong nhóm "Bộ tứ mới", Philippines đã công khai áp dụng chiến lược “răn đe tổng hợp” của Mỹ hướng đến Trung Quốc. Philippines cũng đã tích cực đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông thông qua các vụ kiện pháp lý và gia tăng triển ứng phó trên thực địa.
"Bộ tứ mới" là sự phát triển tự nhiên của một loạt sáng kiến nhỏ do Mỹ dẫn đầu với các đồng minh hiệp ước, đáng chú ý nhất là các nhóm ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và Nhật Bản-Philippines-Mỹ (JAPHUS).
Khi "Bộ tứ mới" phát triển, điều quan trọng là cần thể chế hóa mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn này thông qua các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông và trên khắp Tây Thái Bình Dương, mở rộng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo và an ninh hàng hải cũng như các nỗ lực chung nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân sự của Philippines.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thách thức rõ ràng là phải ngăn chặn chiến thuật “vùng xám” ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Ngoài việc nhắc lại các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn phải phối hợp nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Có thể thấy, trong khi Philippines coi "Bộ tứ mới" là nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền và duy trì trật tự trên biển, Trung Quốc lại coi nhóm mới này là một phần trong chiến lược kiềm chế Bắc Kinh của Mỹ. Hệ quả trong tương lai gần có thể sẽ là những cuộc leo thang căng thẳng kéo dài trên Biển Đông.