Đức hiện đang đàm phán về việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine trong thời gian tới. (Nguồn: Saab) |
Hiện Kiev đang thúc đẩy Berlin cung cấp tên lửa hành trình Taurus với tầm bắn hơn 500 km và được phóng từ các chiến đấu cơ như Tornado, F-15 hay F-18.
Ngày càng có nhiều chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền ở Đức - gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) kêu gọi chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Berlin nhằm giúp Kiev trong các cuộc không kích.
Đáng chú ý, đảng đối lập lớn nhất là Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) còn cảnh bảo sẽ đưa vấn đề ra trước Quốc hội để gây sức ép đối với Thủ tướng Olaf Scholz.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định, việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đề nghị cung cấp thêm gói viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev thể hiện quyết tâm của Mỹ muốn giúp “tới người Ukraine cuối cùng”.
Chia sẻ trên kênh Telegram của Đại sứ quán, ông Antonov khẳng định: “Chính quyền (Mỹ) nắm bắt mọi cơ hội để thể hiện mong muốn giúp đỡ ‘cho đến người Ukraine cuối cùng’, phớt lờ sự phản đối ngày càng tăng đối với những hành động như vậy trong dân chúng.
Những tuyên bố về việc chuyển giao thiết bị quân sự hiện tại và theo kế hoạch, bao gồm cả xe tăng và bom chùm, một lần nữa được đưa ra. Triển vọng gửi máy bay chiến đấu, đạn urani nghèo và tên lửa tầm xa đang được thảo luận”.
Trước đó, hôm 10/8, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội cấp 13,1 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Bộ Quốc phòng nước này để hỗ trợ cho xung đột ở Ukraine, bao gồm giúp đỡ về các trang thiết bị, quân sự và tình báo. Theo đó, yêu cầu mới nhất của Nhà Trắng có thể sẽ “đổ thêm dầu” vào cuộc tranh luận về chi tiêu vốn đã gây tranh cãi khi Quốc hội hoạt động trở lại vào tháng 9.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng yêu cầu 8,5 tỷ USD tài trợ cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bao gồm 7,3 tỷ USD hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng khác.