Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos đã định nghĩa, một công dân số thế kỷ XXI phải có được ba cụm kỹ năng, trong đó IMT (Information, Media, Technology - Thông tin, Phương tiện và Công nghệ) là quan trọng.
Tuy nhiên, nhóm kỹ năng này sẽ không thể có được nếu như trẻ em không có điều kiện tiếp cận và sử dụng Internet một cách đúng đắn.
Ảnh minh họa. |
Để Internet là môi trường an toàn
Việt Nam đang tích cực bước vào giai đoạn chuyển đổi số và trẻ em sẽ trở thành công dân số từ rất sớm. Không thể phủ nhận Internet đang tạo điều kiện giúp các em học tập, giải trí, giao lưu kết bạn.
Tuy nhiên, việc trẻ em lạm dụng Internet sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng, bị quấy rối hay bắt nạt trên mạng, bị vô tình kết bạn xấu, đối mặt với các thông tin sai lệch...
Mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế đã phát động chiến dịch “Online vui, Vùi Covid – Tiếng nói trẻ em về an toàn Internet”.
Chiến dịch này mong muốn thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong việc xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn, đồng thời truyền thông phổ biến những chính sách, chương trình của cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội về việc xây dựng môi trường Internet an toàn.
Cảnh báo về những rủi ro mà Internet mang lại, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam, một chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ: “Rủi ro vẫn luôn tồn tại song hành với những lợi ích và có thể xảy ra với bất cứ ai chứ không chỉ trẻ em.
Tuy nhiên, có một điều tích cực là trẻ em ngày nay cũng đã có những kỹ năng nhận biết, gọi tên những rủi ro, những điều các em không cảm thấy thoải mái. Trẻ em của chúng ta rất thông minh, vì vậy, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu việc trang bị, giáo dục kỹ năng cho trẻ em”.
Phu huynh cần làm chuẩn
Tiếp cận công nghệ hằng ngày cũng đồng nghĩa với việc trẻ em sẽ học được rất nhiều, cả hay và dở từ Internet.
Lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh vẫn là đồng hành và giúp con nhận ra việc đúng sai khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến và cư xử văn minh trong xã hội số.
NSƯT Xuân Bắc cho rằng, muốn nuôi dạy một đứa trẻ trở thành công dân số chuẩn, chính các bậc phụ huynh phải là một công dân số chuẩn trước.
“Trẻ em học từ người lớn nhanh, nên thay vì áp đặt, cấm đoán, cha mẹ hãy làm gương cho con mình với những hành động, lối cư xử có văn hoá trên mạng, thường xuyên trò chuyện, phân tích các mặt lợi – hại của Internet với con.
Ngoài ra, cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối, lừa đảo, xâm hại, đánh cắp thông tin… trên Internet để răn đe.
Hành vi xấu cũng giống như virus, sẽ lây lan rất nhanh nếu không dập tắt kịp thời. Việt Nam chúng ta vẫn đang làm rất tốt trong việc kiểm soát dịch Covid-19, tôi mong việc dập tắt các hành vi xấu đối với trẻ em sẽ hoàn thành trong tương lai gần”, anh nói.
Theo bà Trần Vân Anh, Giám đốc MSD: “Đối với các trẻ em, các em hãy luôn tin tưởng rằng các em không bao giờ một mình. Sẽ luôn luôn có người lắng nghe, tin tưởng và hành động để bảo vệ các em.
Đối với các bậc phụ huynh, chúng ta hãy luôn lắng nghe các con, em mình với tấm lòng yêu thương, tin tưởng các con và khi đồng hành với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ luôn có giải pháp cho mọi vấn đề”.
| Từ clip xin ‘vía’ học giỏi của Thơ Nguyễn: Thế giới mạng cũng ‘thượng vàng hạ cám’, làm sao để trẻ không sa lầy? TGVN. Vừa qua, mạng xã hội dậy sóng khi YouTuber Thơ Nguyễn chuyên làm clip cho trẻ em đã đăng một clip xin ‘vía’ học ... |
Trách nhiệm toàn xã hội
Có thể nói, trong môi trường số hiện nay, để giúp trẻ em trở thành những công dân số chuẩn mực cần sự chung tay của toàn xã hội. Không chỉ riêng phụ huynh và các gia đình, quản lý nhà nước, hệ thống đào tạo và ngay chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung số, các nhà mạng… cũng đều có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Năm 2019, Dự án “Tăng cường năng lực số cho trẻ em châu Á-Thái Bình Dương (DKAP)” của UNESCO đã tiến hành khảo sát dựa trên bộ công cụ gồm: kiến thức – kỹ năng nền tảng về kỹ thuật số, an toàn trên mạng và khả năng thích ứng trong thế giới số, tham gia và thiết kế số, trí tuệ cảm xúc trong thế giới số, sáng tạo và đổi mới sáng tạo số.
Khảo sát thực hiện tại bốn quốc gia Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc và Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong năm lĩnh vực nói trên, trẻ em tự tin nhất vào các năng lực an toàn trên mạng và khả năng thích ứng trong thế giới số và thiếu tự tin nhất về các năng lực sáng tạo và đổi mới sáng tạo số.
Dựa trên những kết quả và phát hiện, Dự án này đưa ra các khuyến nghị chính sách. Trong đó, nhấn mạnh đến nỗ lực phối hợp các bên để loại bỏ khoảng cách trong việc tiếp cận kỹ thuật số của trẻ em và phát triển các mối quan hệ liên ngành để cùng giải quyết các thách thức.
Hiện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các tổ chức xã hội xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” với mong muốn giảm thiểu tối đa rủi ro với trẻ em khi sử dụng Internet.
Ngoài ra, bên cạnh việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng được thể hiện trong Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây, Cục Trẻ em vẫn tiếp tục những nỗ lực để trao quyền cho các em, để các em được lên tiếng vì lợi ích tốt nhất của mình.