Nhỏ Bình thường Lớn

Việt kiều sở hữu nhà trong nước: Sẽ không có gia tăng đột biến

Theo dự thảo mới đây trong Luật nhà ở mà Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Quốc hội sửa đổi, khoảng gần 2 triệu Việt kiều có đủ điều kiện được mua nhà trong nước. Liệu thực tế đó có tạo ra một “cơn sốt” về mua nhà nếu dự thảo được Quốc hội thông qua?

Theo dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, Việt kiều được chia thành 3 nhóm được mua nhà. Nhóm thứ nhất gồm những người còn quốc tịch Việt Nam. Nhóm thứ hai là người gốc Việt, nhưng không còn quốc tịch và thuộc một trong các diện: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, đã kết hôn với người Việt Nam sống trong nước, người có công với đất nước, có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cả hai nhóm đối tượng trên được phép mua số lượng nhà theo mong muốn.

 

Nhóm thứ ba là những người gốc Việt không thuộc các diện như trên nhưng được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp giấy miễn thị thực, thì được sở hữu 1 căn nhà.

 

Như vậy, đối tượng mua nhà sẽ được mở rất rộng so với trước đây. Số lượng người thuộc diện này sẽ  lên tới 2 triệu người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải vì thế mà có đột biến về các giao dịch trong thời gian tới. Vì trên thực tế, số người thực sự có nhu cầu theo thống kê của UB Nhà nước về NVNONN là 100.000 người, nhưng không phải họ sẽ ồ ạt về mua nhà sau khi Luật được sửa đổi, mà chỉ mua khi thực sự cần thiết.

 

7 năm qua, kể từ khi Nghị định 81 ban hành cho phép 4 nhóm được mua nhà tại Việt Nam, gồm: người đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam, nhưng số người thực sự đứng tên sở hữu nhà ở rất ít. TP. Hồ Chí Minh, nơi mỗi năm có hàng triệu người về Việt Nam thăm thân hoặc tìm kiếm cơ hội làm ăn, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan trong nước, cũng chỉ có không quá 100 trường hợp được “danh chính ngôn thuận” trên ngôi nhà của mình. Tại Hà Nội còn ít hơn, thậm chí hàng năm qua, không hề có một giao dịch nào về nhà ở của Việt kiều trên thị trường nhà đất.

 

Oái oăm là ngay cả ở một dự án mà cái tên dường như đã “khoanh vùng” đối  tượng sở hữu là Làng Việt kiều châu Âu ở Hà Đông lại cũng do toàn người trong nước đứng tên sở hữu. Quá nhiều thủ tục nhiêu khê, từ khâu thẩm định, chứng minh nguồn gốc, công việc… khiến người thực sự có nhu cầu phải đi đường vòng hoặc nhờ người thân đứng tên trên tài sản của mình. Ai thực sự có nhu cầu về nhà ở đều phải làm thế cả, dù kèm theo sau đó, có rất nhiều rủi ro đối với họ, còn nhà nước thì mất đi một khoản thuế không nhỏ từ các giao dịch này. Ngoài ra, hầu hết bà con khi trở về kinh doanh tại Việt Nam có nhu cầu đều chọn hình thức thuê bất động sản dài hạn, vừa có tính an toàn cao vừa không bị nhùng nhằng về thủ tục.

 

Dự thảo mới mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Công an và các cơ quan đồng ý với hướng sửa đổi  này. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm UB Nhà nước về NVNONN cũng nói: “Tại sao chúng ta đã cho người nước ngoài sở hữu nhà trong nước mà lại không mở cho người Việt? Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện chính đáng cho kiều bào thật sự có nhu cầu về nước làm việc và sinh sống”.

 

Chủ trương này một lần nữa khẳng định, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, và các chính sách cũng sẽ dần dần giảm đi các phân biệt giữa người Việt ở trong hay sống ngoài nước.

 

Đông Minh