Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh chia sẻ về dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria) |
Nền móng quan hệ vững chắc trên cơ sở lịch sử tương đồng
Với khát vọng độc lập, tự do, người dân Việt Nam và Algeria, đi đầu là các thế hệ lãnh đạo hai nước, đã chung tay gây dựng và vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam-Algeria trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Sự giúp đỡ chí tình và hỗ trợ lẫn nhau là nguồn cổ vũ lớn lao đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam và Algeria đi đến thắng lợi.
Quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Algeria đã được khởi nguồn từ trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/10/1962). Việt Nam đã công nhận Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Algeria từ năm 1958. Một minh chứng sống động khác cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống ấy là việc mở cơ quan đại diện tại mỗi nước. Tháng 11/1962, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Algiers. Tháng 4/1968, Algeria mở Đại sứ quán tại Hà Nội, đồng thời là một trong những nước sớm công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Có thể nói, sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giành độc lập và tình cảm chân thành giữa người dân Việt Nam và Algeria đã là nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ 60 năm qua. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Chủ tịch Quốc hội Algeria Abdelaziz Ziari từng chia sẻ: “Nhân dân Algeria rất khâm phục và kính trọng nhân dân Việt Nam vì lòng quả cảm, anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của Việt Nam là nguồn động lực lớn đối với cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc của Algeria”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Algeria năm 1980. (Ảnh tư liệu) |
60 năm quan hệ chính trị tin cậy, gắn bó
Trong 60 năm qua, quan hệ hai nước đã chứng kiến những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Về chính trị - ngoại giao, hai bên đã tổ chức các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là vào những thời điểm Việt Nam và Algeria gặp khó khăn.
Về phía Việt Nam, có thể kể đến các chuyến đi có ý nghĩa quan trọng của lãnh đạo cấp cao như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đón Tổng thống Houari Boumediene, Tổng thống Liamine Zeroual, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và nhiều lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội Algeria...
Vài năm gần đây, dù hoạt động trao đổi đoàn có phần bị hạn chế do dịch bệnh Covid-19 nhưng hai bên vẫn nỗ lực duy trì trao đổi, tiếp xúc thông qua các hoạt động như điện đàm cấp Thứ trưởng Ngoại giao (tháng 5/2020), họp Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (tháng 5/2022).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu và Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và Cộng đồng người Algeria ở nước ngoài Chakib Rachid Kaïd đồng chủ trì cuộc họp Tham vấn chính trị lần thứ 3 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Cộng đồng người Algeria ở nước ngoài, tháng 5/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thời gian qua, các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hợp tác liên chính phủ và Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao là cơ sở định hướng cho các lĩnh vực hợp tác, là khuôn khổ để hai bên đánh giá, rà soát và đưa ra các hướng phát triển trong bối cảnh mới. Tính đến nay, Ủy ban hợp tác liên chính phủ Việt Nam-Algeria đã trải qua 11 kỳ họp. Hiện hai bên đang chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 12 dự kiến được tổ chức ở Việt Nam trong những tháng tới.
Bộ Ngoại giao hai nước cũng vừa tổ chức thành công kỳ họp Tham vấn chính trị lần thứ 3 sau quãng thời gian gián đoạn. Ngoài ra, hai bên cũng thường xuyên tổ chức điện đàm lãnh đạo cấp cao và duy trì hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa các cấp làm việc khác nhau.
Việt Nam và Algeria cùng chia sẻ và luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế như nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong cộng đồng quốc tế. Sự tương đồng về quan điểm của hai bên đã và đang đóng góp tích cực trong nỗ lực chung về củng cố hòa bình, phát triển trên bình diện khu vực và quốc tế.
Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Algeria luôn có sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau. Năm 2022, hai nước đã ủng hộ lẫn nhau và cùng trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là cơ hội để Việt Nam và Algeria củng cố sự phối hợp chặt chẽ khi đảm nhiệm trọng trách mới, cùng tham gia đóng góp vào các vấn đề trọng tâm của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế.
Việt Nam và Algeria cùng chia sẻ và luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế như nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong cộng đồng quốc tế. |
Nhiều triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Về thương mại song phương, theo số liệu của Trung tâm xúc tiến ngoại thương quốc gia Algeria (Algex), kim ngạch thương mại hai nước đạt 262,5 triệu USD vào năm 2021 và trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 140 triệu USD.
Algeria được coi là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam. Algeria cũng có những mặt hàng thế mạnh như dầu khí, phosphate, chà là, dầu olive… mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu và đầy đủ khả năng để tiến tới thiết lập đối tác làm ăn.
Việt Nam có thể xuất sang Algeria cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, thủy sản nước ngọt do nhu cầu và sức mua lớn tại thị trường này. Mặc dù thời gian gần đây, do tác động của dịch Covid-19, trao đổi thương mại hai nước đã giảm đi nhưng Algeria vẫn là đối tác có nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Lô 433a và 416b của Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) là dự án biểu tượng trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Algeria, được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm. Đến nay, dù trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Dự án vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Các cán bộ ngành dầu khí khi đến làm việc tại Algeria với nhiều khác biệt về văn hóa, cách xa về địa lý với Việt Nam vẫn hay thường chia sẻ rằng: “Đi tìm dầu, khoan thấy dầu, và khai thác được dầu thương mại tại khu vực sa mạc Sahara, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới là thành công của những người làm dầu khí Việt Nam”. Có thể nói Dự án là thành quả của hợp tác kiên trì lâu dài giữa doanh nghiệp hai nước, tạo động lực mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực hợp tác mới.
Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam - Algeria năm 2022. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria) |
Ngoại giao văn hóa - gạch nối giữa hai dân tộc
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hoạt động ngoại giao văn hóa luôn là điểm sáng và được triển khai sâu rộng ở Algeria. Ngoại giao văn hóa đã thực sự trở thành cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Algeria, giúp hai nước chia sẻ các giá trị văn hóa trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt.
Tại Algeria hiện có 2 con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở thủ đô Algiers và thành phố Oran). Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác ngày 19/5, Đại sứ quán tổ chức hoạt động đặt hoa tại đường Hồ Chí Minh, tổ chức tọa đàm, trao đổi về lịch sử, tri ân những đóng góp của Bác trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân Algeria trong kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là biểu tượng anh hùng đối với người dân Algeria. Người dân tại đây luôn nhắc đến những vị lãnh đạo tài ba của Việt Nam với sự kính trọng, nể phục chân thành và từ đó, cũng dành cho người Việt Nam thiện cảm và sự đối đãi đặc biệt. Như Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Abdelkader Messahel từng chia sẻ trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018: “Hai nước có nhiều điểm tương đồng để gắn kết. Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Algeria”.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ dành cho lịch sử, văn hóa Việt Nam, người dân Algeria cũng rất hâm mộ võ Việt Nam. Nhiều môn phái, liên đoàn đã được thành lập với số lượng võ sinh đông đảo và lan rộng đến nhiều địa phương. Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Algeria quy tụ khoảng 20.000 võ sinh tham gia phong trào tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp tại gần 200 câu lạc bộ Vovinam ở 41 tỉnh thành trên cả nước.
Ngoài ra còn có khoảng 15.000 võ sinh theo môn phái Sơn Long quyền thuật tại 20 tỉnh thành. Các môn phái khác như Thanh Long Võ đạo, Bình Định gia... cũng ghi nhận sự phát triển tích cực. Thông qua võ cổ truyền Việt Nam, người dân Algeria đã biết đến và càng hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam.
Lễ dâng hoa tại Đại lộ Hồ Chí Minh, thủ đô Algiers nhân dịp Ngày sinh nhật Bác. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria) |
Vượt qua khó khăn, khai phá tiềm năng
Với mong đợi của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác song phương vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định, chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng hợp tác. Giao lưu nhân dân giữa hai nước còn hạn chế. Hai nước đều có nền kinh tế đang phát triển ở trình độ trung bình thấp, có nhu cầu về vốn, công nghệ, kỹ thuật, đồng thời khoảng cách về mặt địa lý phần nào khiến hợp tác giữa hai bên hạn chế.
Bên cạnh các khó khăn nêu trên, quan hệ song phương cũng có không ít tiềm năng/triển vọng, nhất là hợp tác kinh tế. Đầu tiên, hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, người dân có thiện cảm. Ngoài ra, Algeria có nhu cầu tương đối lớn về những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo, nông sản... Đồng thời, về đầu tư, ngoài dầu khí, bạn rất cần thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội. Phía Algeria mong muốn doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này.
Cuối cùng, với chính sách đa dạng hóa nền kinh tế - phát triển kinh tế phi dầu mỏ, Algeria cũng mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực khác như nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, sản xuất hàng tiêu dùng… Hai bên cũng còn nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, khoa học-công nghệ, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hợp tác đa lĩnh vực sẽ góp phần giúp Việt Nam và Algeria tăng cường bổ sung lợi thế cho nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, vì sự phồn vinh của hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Giải Vovinam Cúp Đại sứ 2022 hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria) |
Đa dạng các hoạt động kỷ niệm
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria (28/10/1962 - 28/10/2022), nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa thiết thực với nội dung đặc sắc và có sức lan tỏa rộng rãi đã và sẽ được tổ chức.
Từ giữa năm 2022 đến nay Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức các hoạt động như chiếu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến của Việt Nam, trưng bày triển lãm tranh, ảnh, tư liệu lịch sử về quan hệ Việt Nam-Algeria, Giải Vovinam cúp Đại sứ Việt Nam tại Algeria nhân dịp 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, giới thiệu ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam đến đông đảo công chúng Algeria.
Các sự kiện đều nhận được sự phối hợp tích cực từ chính quyền Algeria và hưởng ứng đông đảo của nhiều tầng lớp người dân, từ thế hệ người cao tuổi yêu mến Việt Nam qua cuộc đấu tranh anh dũng, tới thế hệ trẻ biết đến mảnh đất hình chữ S như hình mẫu phát triển kinh tế, điểm đến du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức những hoạt động có nội dung đặc sắc như biểu diễn nhạc cụ, trang phục dân tộc với sự tham dự của các nghệ sĩ Việt Nam, chiếu phim tài liệu về Việt Nam trên truyền hình Algeria vào dịp kỷ niệm, tổ chức giải Võ cổ truyền Cúp Hữu nghị Việt Nam-Algeria…
Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam và chính sách “xây dựng nước Algeria mới” của Algeria, cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, ý chí và nguyện vọng của người dân, mối quan hệ hữu nghị truyền thống sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới. |