2017 là năm có nhiều cột mốc trong quan hệ của Ấn Độ với cả Việt Nam và ASEAN, đồng thời được xem là “Năm Hữu nghị” để kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Ấn, 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt - Ấn, 25 năm thiết lập Đối tác Đối thoại Ấn Độ - ASEAN, 15 năm Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Ấn Độ - ASEAN, 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ - ASEAN. Trong suốt năm 2017, khoảng 50 hoạt động đã diễn ra ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác để đánh dấu các mốc quan trọng này.
Nhiều hoạt động kỷ niệm nổi bật
Đại sứ Parvathaneni Harish (ảnh bên) chia sẻ, trong năm 2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về lịch sử quan hệ Việt - Ấn cũng như định hướng phát triển quan hệ song phương tương lai, hay tổ chức các thảo luận chuyên ngành về sức mạnh mềm của hai nước…
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish |
Bên cạnh đó, một hội thảo về khảo cổ cũng được tổ chức tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng. Tại đây, các học giả đã thảo luận mối quan hệ Việt - Ấn thông qua đạo Hindu, đạo Phật và nghệ thuật điêu khắc Chăm ở miền Trung Việt Nam.
Năm 2017, Ấn Độ đã cử một đoàn khảo sát đến Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) để thực hiện công tác khai quật khảo cổ và trùng tu di tích. Hiện tại, một đoàn chuyên gia khác của Ấn Độ đang hoạt động tại di sản văn hóa thế giới này.
Ngoài các hoạt động nói trên, Ấn Độ và Việt Nam còn tổ chức hàng loạt sự kiện giao lưu văn hóa đáng chú ý khác. Ngày Quốc tế Yoga tại Bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã thu hút hơn 4.000 người tham gia. Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức hai lễ hội ẩm thực cũng như đưa nhiều đoàn nghệ thuật đến Việt Nam biểu diễn trong suốt năm vừa qua. Bên cạnh đó, hai nước còn triển khai trao đổi các đoàn thanh niên, đặc biệt là Hội nghị lãnh đạo trẻ ASEAN - Ấn Độ (tháng 8/2017).
Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ công bố năm 1991 và được chính phủ nước này theo đuổi liên tục trong hai thập niên. Đến tháng 9/2014, Thủ tướng Narendra Modi quyết định đổi tên chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”. Điều này được cho là Thủ tướng Modi sẽ chủ động hơn những người tiền nhiệm để khẳng định vai trò lớn hơn, xứng đáng của Ấn Độ với vị thế một cường quốc ở khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Ấn Độ tăng cường gắn kết chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ với chính sách “Hành động hướng Đông” của mình, tăng cường các khuôn khổ hợp tác bốn bên với Mỹ, Australia, Nhật Bản nhằm bảo đảm một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |
Trọng tâm trong “Hành động hướng Đông”
Theo Đại sứ Parvathenani Harish, Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Đóng góp của Việt Nam với vai trò là điều phối viên giữa Ấn Độ và ASEAN đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn. Chính sách “Hành động hướng Đông” là một trụ cột quan trọng cho việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với ASEAN trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng - an ninh.
“Trong năm tới, xu hướng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh giữa hai nước sẽ được thúc đẩy”, Đại sứ Harish khẳng định. Ông cho biết thêm, hai nước đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ bờ biển, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Ấn Độ đang triển khai đóng 12 tàu tuần tra xa bờ cho Việt Nam, có trị giá 100 triệu USD, nằm trong thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016. Cũng trong dịp này, Ấn Độ đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng quốc phòng mới trị giá 500 triệu USD.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, với mối quan hệ lịch sử kéo dài hàng nghìn năm, hiện tại Việt Nam và Ấn Độ xây dựng tình bạn bền chặt, tin tưởng và đồng thuận trong giải quyết các vấn đề chung.
Riêng về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Harish cho hay Ấn Độ và Việt Nam cùng cho rằng tự do hàng hải có vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển khu vực. “Đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc giục tất cả các nước thể hiện sự tôn trọng tối đa với UNCLOS”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, liên quan đến chính sách mới của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Đại sứ Harish khẳng định cả hai nước Việt - Ấn đều thống nhất quan điểm rằng tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tự do đi lại ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cần được bảo đảm. Điều đó là nhân tố thiết yếu không chỉ cho Ấn Độ, Việt Nam mà còn cho tất cả quốc gia ASEAN.