Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng nằm trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, từ làm nông, trồng lúa, trồng cây ăn quả đến phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch. Ngành du lịch đều được hai nước coi trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Cơ sở hợp tác du lịch giữa hai nước được hình thành từ năm 1995 khi Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Campuchia đã ký Bản ghi nhớ vào năm 2015 cụ thể hóa Hiệp định du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng bàn về thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn Covid-19 giữa Việt Nam và Campuchia nhân dịp Đại sứ chuẩn bị sang Campuchia đảm nhận nhiệm kỳ mới, tháng 8/2021 (Nguồn: Tổng cục Du lịch) |
Năm 2020, Nhóm công tác du lịch Việt Nam-Campuchia được thành lập, họp thường niên luân phiên tại hai nước. Phiên họp lần thứ ba Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức vào tháng 10/2022 tại Quảng Nam. Vừa qua, tại cuộc trao đổi song phương giữa Thủ tướng hai nước ngày 11/5/2022 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ tại Mỹ, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh mong muốn đẩy mạnh hợp tác phục hồi du lịch hậu Covid-19.
Những điều kiện thuận lợi và sự quan tâm từ cấp cao là cơ sở vững chắc và tiền đề thuận lợi để Việt Nam và Campuchia tăng cường hợp tác du lịch.
Chiến lược marketing du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đều xác định thị trường Đông Nam Á, trong đó có Campuchia là thị trường quan trọng cần tập trung khai thác.
Về tạo thuận lợi đi lại, hai nước đã miễn thị thực cho công dân của mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông đi du lịch. Giao thông đường không, đường sông, đường bộ kết nối giữa các thành phố lớn của hai nước thuận tiện cho phát triển du lịch. Các doanh nghiệp du lịch hai bên hợp tác chặt chẽ trong tổ chức các tour bằng xe tự lái, du lịch đường sông, du lịch đường biển, đường không.
Trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Ngành du lịch của hai nước cũng nằm trong tác động chung đó. Trong tháng 3/2022, hai nước đều đã mở cửa du lịch quốc tế cho khách vào du lịch qua tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển. Hai nước đã mở lại toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.
Về hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Bộ quản lý du lịch hai nước thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch quốc tế do mỗi Bên tổ chức như VITM tại Hà Nội, ITE-HCM tại TP. Hồ Chí Minh, CTM tại Campuchia; hỗ trợ nhau tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến; phối hợp tổ chức tọa đàm và các hội thảo chuyên đề.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch phát biểu chào mừng Chương trình giới thiệu du lịch Campuchia tại Cần Thơ tháng 7/2022. (Nguồn: Tổng cục Du lịch) |
Hưởng ứng kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (1967-2022), hai bên đã trao đổi thống nhất logo du lịch chung sử dụng trong các hoạt động xúc tiến du lịch chung hai nước.
Vừa qua, Bộ Du lịch Campuchia đã tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Campuchia tại Cần Thơ vào tháng 7/2022, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch tham gia với tư cách Khách mời danh dự và phát biểu chào mừng sự kiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam năm 2022 dự kiến vào quý IV/2022 tại Phnom Penh, Campuchia.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn du lịch khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Hợp tác Bốn quốc gia - Một điểm đến (CLMV), Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác du lịch hành lang phía Nam (Campuchia-Thái Lan-Việt Nam), Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).
Trong khuôn khổ hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), tại Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11 ngày 9/12/2020, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thông qua “Kế hoạch Phát triển Du lịch Khu vực Tam giác Phát triển CLV giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon tham dự Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Campuchia vào tháng 8/2017. (Nguồn: Tổng cục Du lịch) |
Tháng 5/2022, Việt Nam chủ trì tổ chức Phiên họp trực tuyến Nhóm công tác du lịch ba nước CLV lần thứ nhất thảo luận phân công triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch, trong đó mỗi nước dẫn dắt thực hiện 5 nhiệm vụ.
Với những nỗ lực hợp tác từ cả hai phía, trao đổi khách du lịch hai Bên năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19) đã đạt trên 1,1 triệu lượt, trong đó khách Campuchia sang Việt Nam đạt 227.910 lượt; khách Việt Nam sang Campuchia đạt 908.803 lượt. Việt Nam đứng thứ hai về gửi khách đến Campuchia.
Từ giữa tháng 3/2022, sau khi hai nước mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, việc trao đổi khách giữa hai Bên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Sáu tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 35.870 lượt khách du lịch Campuchia còn số khách Việt Nam đến Campuchia đạt gần 143.300 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế của Campuchia, đứng số 1 trong số các thị trường gửi khách đến Campuchia.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đồng chủ trì điều hành Phiên họp trực tuyến Nhóm công tác chung hợp tác du lịch Việt Nam Campuchia lần thứ 2 vào tháng 11/2021. (Nguồn: Tổng cục Du lịch) |
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu hữu nghị giữa hai nước, ngành du lịch hai bên chú trọng hợp tác với các nội dung cụ thể như sau:
Về phối hợp xúc tiến quảng bá, hai bên đang trao đổi tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung tại Hội chợ WTM London, Hội chợ JATA Nhật Bản. Hai bên đang tích cực nghiên cứu lên kế hoạch xúc tiến quảng bá chung cho các năm tiếp theo. Ngành du lịch hai nước nỗ lực nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá trực tiếp cũng như trực tuyến trên các kênh truyền thông, mạng xã hội phổ biến; xem xét khả năng hợp tác trong việc áp dụng công nghệ số trong truyền thông phục hồi, phát triển du lịch.
Cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp hai nước tiếp tục hỗ trợ nhau tham gia các sự kiện du lịch tổ chức tại hai nước như hội chợ, hội thảo, sự kiện xúc tiến nhằm thúc đẩy lượng khách trao đổi và tăng cường đầu tư, hợp tác kinh doanh (ITE - HCMC, VITM tại Việt Nam, CTM tại Campuchia...).
Về phối hợp xây dựng sản phẩm, hai bên tăng cường trao đổi xây dựng và phát triển các sản phẩm kết nối tour, tuyến giữa các điểm đến của hai nước, liên kết doanh nghiệp lữ hành. Hai bên xem xét hợp tác cùng đón đoàn FAM từ nước thứ ba, đặc biệt là từ các thị trường nguồn, thị trường trọng điểm chung của hai nước: Mỹ, châu Âu, Canada, Australia, New Zealand... Mỗi bên đều cần phải xem xét bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách.
Hai bên xúc tiến việc giới thiệu tour du lịch tự lái giữa hai nước thông qua việc thảo luận tích cực hơn với các cơ quan có thẩm quyền; khuyến khích các địa phương của mỗi nước hợp tác trong việc kết nối các cảng biển giữa hai nước.
Trên cơ sở nền tảng tốt đẹp đã và đang được xây dựng và củng cố, với nỗ lực chung của Chính phủ cùng nhân dân hai nước, sự hợp tác của các cấp, các ngành hữu quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hợp tác du lịch Việt Nam-Campuchia sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc và củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước, ngành du lịch Việt Nam và Campuchia sớm phục hồi và ngày càng phát triển.