Nhỏ Bình thường Lớn

Việt Nam cần có chính sách tận dụng 'thời kỳ cơ cấu dân số vàng', đón đầu già hóa dân số

Thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.
Việt Nam cần có chính sách tận dụng 'thời kỳ cơ cấu dân số vàng'
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Hội thảo, nêu bật các vấn đề của dân số Việt Nam hiện nay. (Ảnh: UNFPA)

Chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi quốc tế để phát triển chính sách tận dụng lợi thế "dân số vàng" của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng tại hội thảo công bố "Báo cáo Tài khoản Chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam" và học hỏi kinh nghiệm quốc tế áp dụng số liệu của nghiên cứu Tài khoản Chuyển nhượng quốc gia trong phát triển chính sách. Hội thảo do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội.

Báo cáo Tài khoản chuyển nhượng quốc gia được hoàn thành trong khuôn khổ dự án hợp tác phát triển giữa Tổng cục Thống kê với UNFPA và sự hỗ trợ kỹ thuật của Giáo sư Sang Hyop Lee, Tiến sĩ kinh tế, Đại học Hawaii - chuyên gia quốc tế và Trưởng dự án về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia khu vực châu Á.

Ý nghĩa quan trọng của phương pháp nghiên cứu

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia là phương pháp toàn diện và có hệ thống, được sử dụng để để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua vòng đời kinh tế và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ".

Theo bà Nguyễn Thị Hương, phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế thế hệ cũng như cách các thế hệ ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đến nay, nghiên cứu về Tài khoản quốc gia đã được hơn 70 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố. Phương pháp này không chỉ chứng minh được sự ưu việt trong phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số mà còn cho phép trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm.

Nhấn mạnh thêm sự cần thiết của việc nghiên cứu về Tài khoản chuyển giao quốc gia, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA cho rằng, quá trình nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho việc xây dựng các chương trình, chính sách chuẩn bị cho già hóa dân số.

Tài khoản Chuyển nhượng quốc gia cung cấp phương thức đánh giá tác động của những thay đổi về nhân khẩu học, trong đó có thu nhập quốc gia và chi công, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Những dữ liệu này sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trả lời cho những câu hỏi quan trọng có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, bền vững tài chính và công bằng giữa các thế hệ.

Tại hội thảo, Tổng cục Thống kê công bố một số phát hiện quan trọng từ kết quả nghiên cứu Tài khoản chuyển nhượng quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy dân số ở những độ tuổi khác nhau sẽ có các đặc điểm và mức thu nhập cũng như tiêu dùng khác nhau. Trẻ em và người cao tuổi thường chi tiêu nhiều hơn thu nhập, trong đó, trẻ em có thể được chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, trong khi người cao tuổi chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Người ở giai đoạn trưởng thành thường lao động và tạo ra nhiều thu nhập hơn chi tiêu nhưng cơ cấu thu nhập và chi tiêu giữa các độ tuổi trưởng thành cũng rất khác nhau.

Việt Nam cần có chính sách tận dụng 'thời kỳ cơ cấu dân số vàng'
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: UNFPA)

Bảo đảm "không bỏ ai lại phía sau"

Chênh lệch giữa tiêu dùng và thu nhập của dân số nói chung hoặc ở độ tuổi/nhóm tuổi nào đó có giá trị dương được gọi là thâm hụt vòng đời kinh tế, có giá trị âm được gọi là thặng dư vòng đời kinh tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức thâm hụt vòng đời của dân số Việt Nam năm 2022 là 364,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Bình quân, mức thâm hụt vòng đời của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2022 là 3,7 triệu đồng/người.

Dân số Việt Nam tạo ra giá trị thặng dư kinh tế khi ở độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi. Độ tuổi rực rỡ nhất để lao động tạo ra thặng dư kinh tế thuộc về nhóm tuổi từ 25 đến 49 tuổi. Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra. Đây là một trong những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.

Với cấu trúc dân số hiện nay, người dân Việt Nam có khoảng 31 năm, tương ứng với độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi để tạo ra “thặng dư vòng đời”. Trong khi đó, khoảng hơn 42 năm còn lại (vì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi), tương ứng với độ tuổi từ 0 đến 21 tuổi và từ 54 tuổi trở lên, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “thâm hụt vòng đời”. Thời gian kinh tế thâm hụt dài hơn so với thời gian kinh tế thặng dư.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê khẳng định, trên quan điểm của Tài khoản chuyển nhượng quốc gia, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.

"Lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba".

Tuy nhiên, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai và thậm chí lần thứ ba.

Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai. Đặc biệt nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (8/11/2023), Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số gợi ý chính sách quan trọng và tiếp tục khẳng định: Mặc dù trên quan điểm Tài khoản chuyển nhượng quốc gia, Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi của dân số nhưng xét về cấu trúc tuổi, đất nước ta vẫn đang ở trong “thời kỳ cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào.

Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, các chính sách để tận dụng “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững để “Không bỏ ai lại phía sau”.

Lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người

Lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I có chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan ...

Trung Quốc đau đầu vì suy giảm dân số, kinh tế thế giới cũng 'vạ lây'

Trung Quốc đau đầu vì suy giảm dân số, kinh tế thế giới cũng 'vạ lây'

Các báo cáo đã chỉ ra rằng, đà phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ bị đình trệ khi dân số trở nên già ...

Số hóa hệ sinh thái dữ liệu - 'chìa khóa' để quản lý quốc gia thông minh, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Số hóa hệ sinh thái dữ liệu - 'chìa khóa' để quản lý quốc gia thông minh, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Số hóa hệ sinh thái dữ liệu phục vụ quản trị dữ liệu và cuộc sống người dân là nội dung trọng tâm được các ...

Quỹ Dân số Liên hợp quốc đồng hành cùng Việt Nam ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Quỹ Dân số Liên hợp quốc đồng hành cùng Việt Nam ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 3/11, tại Hà Tĩnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ ...

Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội

Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội

Chính sách an sinh xã hội phải ngày càng phát triển, mở rộng để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn từ sự ...