Ông Võ Trần Đình Hiếu – Dragon Capital, một nhà đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp và thành công tại Việt Nam chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình tại Hội thảo “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn từ Israel”.
Chưa đủ tiếng vang
Theo số liệu từ Bộ Khoa học - Công nghệ, tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) trải qua ba thế hệ. Trước những năm 2000, rất ít DN khởi nghiệp (Vatgia.com, VCorporation, UNG,…) và gặt hái thành công (FPT là một điển hình). Thế hệ này giờ đã trở thành những nhà đầu tư. Thế hệ thứ hai tăng thêm về số lượng và bắt đầu gọi được vốn đầu tư: Foody, Nhommua, Tiki, JupViec, divmob,…; Ví điện tử Momo, Cốc cốc, Trust me, Lozi,…là thế hệ thứ ba, tiếp nối thành công ban đầu.
Hội thảo ngày 21/9 thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. (Ảnh: Thành Châu) |
Chia sẻ về cấu trúc hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp Việt Nam, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) cho biết chủ trương xây dựng HST này cũng bao gồm các thành phần giống như định hướng ở đa số các nước. Đó là những yếu tố: chính sách; pháp luật và cơ sở hạ tầng; vốn, tài chính; văn hoá khởi nghiệp, văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp; mạng lưới liên kết các cá nhân tổ chức hỗ trợ; các nguồn đào tạo, chương trình hỗ trợ đào tạo; nguồn nhân lực, tri thức trẻ; thị trường trong nước và quốc tế.
Để tăng nhanh số lượng, ông Quất cho biết, Nhà nước cần có hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho DN khởi nghiệp. Hiện tại, trong một số lĩnh vực, đã có khá nhiều văn bản chính sách, dự án, Quỹ, Chương trình hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo,… giúp DN khởi nghiệp từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, nhưng còn tồn tại những rào cản về thực thi, quy định cho nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức chưa thực sự thông thoáng.
Thực tế, dù Việt Nam là thị trường khởi nghiệp được đánh giá năng động nhất khu vực Đông Nam Á, như đánh giá của ông Adrian Tan – Giám đốc Chương trình huấn luyện của Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) nhưng HST khởi nghiệp phát triển chưa có trọng tâm.
Hiện nay, các quỹ đầu tư nước ngoài chưa có sự hiện diện chính thức như văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cho tới giờ, hầu hết chỉ là các đầu tư nhỏ lẻ. Tại châu Á, các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nhìn vào HST khởi nghiệp của khu vực chứ không phải của từng quốc gia cụ thể. Do vậy, Việt Nam đang mất dần thị trường vào tay nhà đầu tư khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan,… “Không phải do HST của họ tốt hơn mà vì họ có tiếng vang hơn”, ông Hiếu cho biết.
Đâu là cơ hội và sự an toàn?
Nhiều tồn tại trong hoạt động xây dựng HST khởi nghiệp gây ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai hoạt động của DN. Chẳng hạn như, đối tượng khởi nghiệp chưa được quy định cụ thể. Hoặc, có khoảng 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang có hoạt động tài chính ở Việt Nam nhưng hầu như không thành lập Quỹ mà chỉ có văn phòng đại diện, hoặc thậm chí không có đại diện chính thức mà thông qua các kênh đầu tư nhỏ, lẻ do chưa nhìn thấy cơ hội và sự an toàn là vấn đề cần lưu ý.
Nhà đầu nước ngoài chưa quan tâm thực sự cũng do chưa nhìn thấy DN tiềm năng và đủ tầm. Những DN đã khởi nghiệp thành công, hiện đã phát triển ở quy mô lớn cũng chưa coi đầu tư cho khởi nghiệp là vấn đề cần quan tâm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân, nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội còn rất lớn nhưng giải pháp nào để có thể thu hút cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Những nhà đầu tư thiên thần (angel investor) đã hiếm, nhưng nhà đầu tư “vốn mồi”, dám chi một khoản tiền ban đầu hỗ trợ doanh nghiệp đưa ý tưởng vào thực tế lại càng hiếm. Ông Quất lý giải vấn đề này là do kiến thức và quan điểm chia sẻ với doanh nghiệp như thế nào để thành công của nhà đầu tư thiên thần trong nước còn hạn chế.
Tuy vậy, tín hiệu vui là hầu hết những người khởi nghiệp ở nước ngoài thành công đang thay đổi tư duy và có xu hướng trở về nước, trở thành nhà đầu tư tiềm năng cho phong trào khởi nghiệp trong nước. Do đó, số lượng các hợp đồng đầu tư mạo hiểm năm 2016 tăng hơn những năm trước đó. Mặc dù vậy, tỷ lệ này so với khu vực vẫn chưa phải là đáng mừng vì vốn đầu tư vẫn đang nghiêng sang các nước ASEAN nhiều hơn.
Từ góc độ trong nước, vị giám đốc trẻ Nguyễn Hòa Bình của Công ty Peacesoft - một DN khởi nghiệp cách đây 15 năm, cho rằng điều kiện để DN khởi nghiệp hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thách thức mà DN đang phải đối mặt hiện nay là chính sách, môi trường pháp lý liên tục thay đổi và mang tính rủi ro lớn. Ông chia sẻ ví dụ quy định về điều 292 trong Bộ Luật Hình sự mới và bày tỏ mong muốn các DN khởi nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi hoạt động để có cơ hội được "mang gươm (chất xám) đi mở cõi" thay vì hiện nay phải núp danh là DN Singapopre, Thái Lan,…hoặc để không ít người tài ra định cư và khởi nghiệp ở nước ngoài.
Cần có văn hoá khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp
Có thể nói, văn hoá khởi nghiệp rất quan trọng nhưng văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp cũng quan trọng không kém. Theo ông Quất, văn hoá chấp nhận rủi ro ở người khởi nghiệp còn đang thấp, huống hồ là người huấn luyện, nhà đầu tư,…đều chưa sẵn sàng chấp nhận văn hoá thất bại, khởi nghiệp nhiều lần. DN Việt Nam thường biết đến "trái ngọt" chứ không chấp nhận" trái đắng", khi thất bại ít có gan chịu đòn.
Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất chính sách, biện pháp giải quyết với Chính phủ. (Nguồn: FPT) |
Do vậy, việc cần thiết là Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đến DN đổi mới sáng tạo, đến khởi nghiệp không chỉ đưa chủ trương, chính sách khích lệ cổ vũ mà còn phải tuyên truyền, thông tin qua các chương trình truyền thông cả ở cấp quốc gia và địa phương để từng bước góp phần thay đổi cả nhận thức và văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ Israel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam - bà Meirav Eilon Shahar cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư đã đưa nước này thành một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới.
Còn ông Avi Luvton, Giám đốc điều hành Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Sáng chế Israel cho biết, 45 năm trước, Israel không phải là quốc gia tri thức, các sản phẩm chính là nông nghiệp, không có thị trường nội địa vì dân số quá ít với 8,5 triệu dân... Sau đó, Israel đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, trong đó thực hiện đầu tư mạnh mẽ vào sáng tạo, công nghệ cao. Và để tạo môi trường cho sáng tạo phát triển, thì Chính phủ Israel đã giữ vai trò quan trọng trong xây dựng HST để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của các DN. Từ việc xây dựng HST khởi nghiệp này, Israel đã phát triển được hàng loạt DN về công nghệ thông tin, phần mềm, bán dẫn...
Ông Avi Luvton nhấn mạnh, để có một HST khởi nghiệp lành mạnh và bền vững, sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn (chỉ một phần nhỏ) và đặc biệt là xây dựng chính sách thúc đẩy môi trường hoạt động và đầu tư vào các DN khởi nghiệp (từ lúc hình thành ý tưởng, ban đầu hoạt động) thông qua các trung tâm nghiên cứu quốc gia, viện, trường; để khi các DN này lớn mạnh, sẽ thực hiện thoái vốn (nếu có) nhường lại cho khối đầu tư tư nhân.
Chính phủ nước này cũng thể hiện sự sẵn sàng "gánh" rủi ro nếu DN khởi nghiệp thất bại. Bên cạnh đó, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng. Israel hiện có tới hơn 85% tiền đầu tư từ nước ngoài rót vào các quỹ này. Hơn nữa, cộng đồng khởi nghiệp Israel hoạt động với trọng tâm là chỉ tập trung vào phát triển công nghệ cao và đến nay đạt tỷ lệ 50% xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.
Sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chấp nhận
Việt Nam chấp nhận rủi ro, đầu tư cho DN khởi nghiệp để đổi lại là tăng số lượng việc làm, tăng thu nhập quốc gia, cải thiện tốc độ tăng trưởng, giải quyết an sinh xã hội... và những lợi ích khác không thể tính bằng tiền, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm của Chính phủ tại Hội thảo.
Theo đó, để thực hiện hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, việc cần làm là phải xây dựng một cổng thông tin khởi nghiệp và các trung tâm hỗ trợ thông tin cho khởi nghiệp. Thời gian tới, Việt Nam sẽ chú trọng xây dựng cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng cho DN, hình thành khuôn khổ pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp...
Đồng thời, Chính phủ sẽ có các chính sách hỗ trợ thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của DN khởi nghiệp; quy định cho phép DN dùng tài sản trí tuệ, bằng sáng chế để thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong đó, Chính phủ sẽ xác định rõ vai trò của Nhà nước trong hợp tác công tư ở các mô hình vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng tuân theo quy luật thị trường.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng DN khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần chủ động đề xuất sáng kiến, chính sách với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, cùng thảo luận để đạt hiệu quả tốt nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.