TIN LIÊN QUAN | |
Dấu ấn hội nhập, liên kết kinh tế Việt Nam 2018 | |
Thủ tướng: Không nhất thiết phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng |
Hiệp định CPTPP vừa chính thức có hiệu lực, Hiệp định EVFTA cũng sẽ sớm được ký kết chính thức. Bà đánh giá như thế nào về những cơ hội đang mở ra cho Việt Nam?
Như đánh giá của Chính phủ cũng như nhiều nghiên cứu đã đưa ra, kinh tế của năm 2018 là một năm có nhiều thành công. Trong những thành công của năm 2018, có cả việc chúng ta đã tích cực tham gia đàm phán, thúc đẩy hội nhập và thông qua CPTPP vào cuối năm 2018. Việc trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP có thể xem như một dấu mốc rất quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Về phần EVFTA, theo một số nghiên cứu, EVFTA thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn cả CPTPP. Về mặt xuất khẩu, triển vọng của thị trường châu Âu là rất lớn trong khi với CPTPP, hầu hết các thành viên quan trọng đều đã có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết các thành viên của EU đều chưa có FTA với Việt Nam, có nền kinh tế phát triển đồng đều, ở trình độ cao, sự tham gia gắn kết với khu vực Đông Nam Á chưa nhiều nên cơ hội thị trường mở cho Việt Nam sẽ rất lớn.
Bên cạnh những cơ hội mở ra, thách thức cũng không nhỏ. Vì xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đều rất mở, hội nhập sâu nên khi Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ phải cạnh tranh với các nước đang phát triển khác, kể cả với những nước trong khu vực. Nếu nền tảng nội lực yếu, dù có các FTA chúng ta vẫn không thể bắt kịp với các nước không có FTA nhưng có nền tảng nội lực tốt hơn. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực tăng cường nội lực, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có thể hấp thụ được những cơ hội mới từ các FTA mang đến. Nếu không đủ năng lực, cơ hội sẽ không ở lại mà lại chuyển sang các nước thành viên khác.
Những quy định, chuẩn mực mà các Hiệp định đưa ra khá cao, đây vừa là sức ép nhưng cũng chính là cơ hội cần thiết để đưa Việt Nam từ một nước chỉ chuyên làm gia công phải đổi mới công nghệ, tăng cường giá trị nội địa, tận dụng tối đa những lợi ích mà hội nhập mang lại.
Thách thức gay gắt nhất, theo tôi, nằm ở sức ép cải cách về thể chế để phù hợp, tương thích với các yêu cầu, cam kết hội nhập của 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Một nền tảng thể chế tốt, bền vững sẽ giúp cho các ngành kinh tế và bản thân doanh nghiêp Việt phát triển, từ đó có được năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập tốt hơn. Nếu nền tảng thể chế không tốt, nguy cơ khiếu kiện sẽ tăng lên, phương hại nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Quá trình cải cách môi trường kinh doanh của chúng ta dù đã thực hiện trong nhiều năm qua nhưng vẫn xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” do việc thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, thiếu đồng bộ. Trở thành thành viên của các FTA mới, các nước khác chắc chắn sẽ không chấp nhận tình trạng như vậy.
Do nền kinh tế còn kém cạnh tranh so với các nước thành viên khác nên Việt Nam thường được “ưu tiên” với lộ trình dài hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam được phép chần chừ mà phải nhanh chóng tận dụng cơ hội để cải thiện thể chế, rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nước thành viên còn lại.
Thách thức về nguồn nhân lực cũng là thách thức mà chúng ta cần tính đến. Suy cho cùng, những thay đổi, cải cách từ thể chế, bộ máy Nhà nước cũng là đến từ sự thay đổi của chính những người nằm trong bộ máy đó.
Tôi kỳ vọng, năm 2019 sẽ mang lại nhiều tín hiệu vui cho nền kinh tế từ những chuyển biến tích cực đã đạt được trong năm 2018, đặc biệt là từ phía khu vực tư nhân.
So với thời điểm cách đây 12 năm khi chúng ta trở thành thành viên của WTO, sự khác biệt của lần hội nhập lần này là gì?
Cách đây 12 năm, chúng ta chính thức là thành viên của WTO, và giờ đây chúng ta là thành viên của CPTPP. Đây là bước chuyển đáng kể từ chỗ hội nhập theo chiều rộng khi tham gia WTO tới hội nhập theo chiều sâu hơn với CPTPP và EVFTA
Trước thời điểm đàm phán để gia nhập WTO, chúng ta đã có bước cải cách khá mạnh mẽ hệ thống thể chế, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, đầu tư nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển (ODA) cũng tăng trưởng mạnh để đón cầu cơ hội từ WTO… Chính nhờ đó, mà chúng ta đã đàm phán thành công.
Đáng tiếc là sau khi tham gia WTO, chúng ta có phần chủ quan, buông lơi, không tiếp tục những đổi mới và cải cách thể chế cần thiết, không thực hiện đúng những cam kết của WTO, dẫn đến không hưởng lợi được từ những cơ hội từ WTO, quá trình hội nhập WTO chưa thực sự đạt như kỳ vọng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có bước chuyển biến đáng kể về tư duy, cách làm. Kể từ Đại hội 12 của Đảng, Chính phủ mới đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo. Hay Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khi có những chủ trương, chính sách như vậy, khu vực tư nhân cũng được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Những dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 khá đậm nét với việc Tập đoàn Vingroup gây tiếng vang lớn tại Paris Motor Show với 2 mẫu xe Sedan và SUV chỉ sau hơn 1 năm thành lập VinFast; Tập đoàn Sun Group đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam; Hãng hàng không tư nhân thứ ba của Việt Nam Bamboo Airways của Tập đoàn FLC được cấp phép bay trong năm 2018…
Ngoài ra, chúng ta đã bắt đầu có sự điều chỉnh trong chính sách đầu tư để thu hút những đầu tư có chất lượng, mang lại giá trị cao, sẵn sang chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị.
Hay tư duy về động lực phát triển cũng đã thay đổi. Thay vì dựa trên nguồn lao động giá rẻ, xuất khẩu nguyên liệu thô như trước đây thì chúng ta đang chuyển hướng, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, tạo nên giá trị gia tăng cao hơn dựa trên động lực đổi mới công nghệ, từ đó hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vững chắc hơn.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đến gần, tôi thấy rằng tư duy của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã có sự thay đổi rõ rệt khi đều nhận ra rằng thế giới đang thay đổi quá nhanh nên nếu chúng ta không thay đổi nhanh, không quyết định nhanh thì sẽ để tuột mất cơ hội. Sức ép về thời gian đang gắt gao hơn bao giờ hết. Việc Chính phủ vừa liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02 thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi các Bộ, ngành phải dứt khoát hơn, quyết liệt hơn trong việc đổi mới môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…phần nào là được thiết kế dựa trên tư duy đó.
Nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng với nhiều biến động khó lường. Liệu một nền kinh tế mở và ngày càng hội nhập sâu như Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thương?
Nhìn chung, về nguyên lý những nước có nền kinh tế mở khi nội lực chưa thực sự mạnh chắc chắc sẽ hứng chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Tuy vậy, từ thực tế năm 2018 lại cho thấy vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở nội lực của nền kinh tế. Năm 2018, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế tương đối khá tốt khi nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây, bất chấp những yếu tố ngoại lực từ bên ngoài.
Điều này chứng tỏ, nếu Việt Nam củng cố được nền tảng kinh tế trong nước tốt, ổn định vĩ mô, tạo lập động lực tăng trưởng vững chắc thì vẫn sẽ hội nhập và phản ứng tốt với những tác động từ kinh tế toàn cầu.
Xin cảm ơn bà!
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Brazil tăng hơn 14% Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Brazil năm 2018 ... |
Phát triển kinh tế: Phía trước là con đường rộng thênh thang Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cơ hội hội nhập kinh tế của Việt Nam là rất ... |
Không phải cuộc chiến Mỹ - Trung, thách thức với Việt Nam đến từ nội tại nền kinh tế Nhận định về triển vọng kinh tế - tài chính thế giới năm 2019 và tác động đến Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện ... |