📞

Việt Nam-Cuba: Hai câu chuyện sống động về mối quan hệ không tì vết

Fredesmán Turró González – Hùng 16:00 | 28/09/2022
Tôi đã sống ở Việt Nam 24 năm, trong đó, có gần 21 năm làm việc tại Đại sứ quán Cuba. Tôi nghĩ mình xứng đáng là một trong những nhân chứng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Cuba, mối quan hệ đó đã luôn như vậy, không tì vết, kể từ ngày 2/12/1960...

Về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, tôi chỉ kể hai câu chuyện thể hiện những tình cảm giữa hai nước, hai dân tộc được vun trồng và nở hoa trong sâu thẳm trái tim của chúng tôi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Fredesmán Turró González – Hùng, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam.

Đến Việt Nam nhanh nhất có thể

Vào giữa tháng 4/1972, Việt Nam vẫn còn chiến tranh. Trong lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5 năm đó), tại Quảng trường Cách mạng, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tuyên bố: "Đảng ta đề nghị giúp đỡ cho Đảng và Chính phủ Việt Nam một đoàn bác sĩ để giúp đỡ cho nạn nhân của các vụ đánh bom. Và thứ Tư tới, một đoàn các bác sĩ Cuba sẽ đi Việt Nam, sáu bác sĩ phẫu thuật, ba bác sĩ gây mê và sáu y tá".

Cũng trong tháng đó, nghệ sĩ nổi tiếng người Cuba Silvio Rodríguez, nhân Ngày của Mẹ, đã viết một bài hát dành tặng các bà mẹ Việt Nam, đoạn cuối viết:

"Mẹ, trong ngày của mẹ

Mẹ Tổ quốc và Mẹ cách mạng,

Mẹ, trong ngày của mẹ

Những người con của mẹ gỡ mìn ở Hải Phòng"

Đoàn bác sĩ đến Việt Nam chỉ vài ngày sau đó, chia thành ba đội: một đội tới Hải Phòng, một đội vào Thanh Hóa và một đội đến Nam Định. Ít lâu sau, có thêm một chuyên gia bỏng và một chuyên gia chấn thương từ Cuba đến tham gia đoàn. Bác sĩ Figueredo, trưởng đoàn, ở lại Hà Nội.

Đội Hải Phòng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hôm 10/5. Đội trưởng là bác sĩ Ingnacio A. Morales (bác sĩ phẫu thuật) và các thành viên gồm: Bác sĩ del Sol (bác sĩ phẫu thuật), bác sĩ Juan Piedra (chuyên gia gây mê), hai y tá Gloria Cueto và Rolendy Cruz, còn tôi làm phiên dịch.

Đến Hải Phòng, đội bắt tay vào công việc cùng các bác sĩ và y tá Việt Nam.

Các bác sĩ và y tá Cuba nhanh chóng thích nghi với tình hình và tập trung hết sức vào việc cứu sống bệnh nhân. Họ chữa bệnh bằng tất cả trái tim và tài năng của mình. Họ bật khóc khi không cứu được bệnh nhân hoặc khi thấy nhiều người già và trẻ em bị thương.

Chủ tịch Fidel từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và thực tế đã diễn ra như vậy. Các bác sĩ đã mang theo một lượng lớn huyết tương để cứu chữa cho các bệnh nhân.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba này đã hình thành từ trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu và nguyện vọng chung, chia sẻ nỗi đau và niềm vui.

Mối quan hệ này không thể phá hủy và sẽ tồn tại mãi mãi, bất chấp thăng trầm của lịch sử, bởi nó được xây dựng và gìn giữ trên nền tảng nhân văn đã thấm sâu vào trái tim và tâm hồn của hai dân tộc.

Khi đến thăm Cao điểm 241 Tân Lâm, Thủ tướng Cuba Fidel Castro đã nói câu lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, ngày 16/9/1973. (Nguồn: TTXVN)

Sự chân thành của cậu bé bán rong

Câu chuyện thứ hai là ông Miguel A. Puentes Fraga (nguyên Tổng Lãnh sự Cuba tại Thành phố Hồ Chí Minh) kể cho tôi nghe. Vào những năm Thời kỳ Đặc biệt của Cuba, ông Miguel không thể quên một sự kiện xảy ra với chính ông tại Hà Nội. Câu chuyện đó đã nói lên rằng, Việt Nam và Cuba luôn chia sẻ mọi thứ cùng nhau, như những người anh em thực sự.

Trong một lần đến Hà Nội để họp tại Đại sứ quán, Miguel đi dạo quanh Hồ Gươm. Một cậu bé chân trần với dáng vẻ nghèo khổ đến gần và mời ông mua bưu ảnh Hà Nội làm kỷ niệm.

Miguel không định mua vì ông không có nhiều tiền, nhưng lại hỏi cậu bé tại sao phải đi bán bưu thiếp. Cậu bé trả lời rằng, gia đình cậu rất nghèo nên cậu phải giúp đỡ bố mẹ và các em.

Cậu bé hỏi lại Miguel xem ông đến từ đất nước nào và khi ông nói rằng mình đến từ Cuba, khuôn mặt của cậu bé sáng lên.

Cậu tỏ ra rất vui mừng và nói với ông đầy tự hào: “Hôm qua, cháu đã tặng hai lon gạo cho chiến dịch "Một hũ gạo để giúp đỡ trẻ em Cuba".

Lúc đó, Miguel đã phải quay mặt đi để cậu bé không nhìn thấy sự xúc động của mình. Sau khi đã bình tĩnh lại, ông đã mua cho cậu bé một nửa số bưu thiếp.

Liệu một đứa trẻ Việt Nam, mà hiện giờ có thể đã là một chuyên gia hay một nhà lãnh đạo, có quên rằng một ngày xưa đó đã giúp đỡ trẻ em Cuba, dù khiêm tốn không?

Và, có khi nào những trẻ em Cuba, giờ cũng là một chuyên gia hay một nhà lãnh đạo, quên rằng họ trải qua giai đoạn khó khăn nghiêm trọng và một em nhỏ trong gia đình nghèo Việt Nam đã chia sẻ với họ số ít gạo họ còn trong nhà?

Và, chúng ta, những thế hệ đi trước chúng ta cần phải giáo dục cho các thế hệ mới quan tâm mối quan hệ này như "một kho báu quý giá của hai dân tộc", như đánh giá của các nhà lãnh đạo Việt Nam, và "một biểu tượng của thời đại chúng ta”, như nhận xét của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro.