Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm lần này lấy cảm hứng từ vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên cùng sự cổ kính, tĩnh lặng của những di sản văn hóa Việt Nam; và được thể hiện bằng kỹ thuật tranh nhuộm Katazome truyền thống của Nhật Bản.
Kỹ thuật này sử dụng những nguyên liệu đặc biệt như giấy Nhật làm thủ công, chất chống thấm màu là hồ gạo Nhật với 18 công đoạn, chu trình công phu, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật. Trong lịch sử, kỹ thuật này được người Nhật Bản sử dụng để tạo sắc màu đa dạng cho những trang phục truyền thống như: gia huy của dòng họ võ sỹ, những tấm áo hay phục sức của các nghệ sỹ trong nghệ thuật biểu diễn Kyogen và các bộ kimono…
"Phố cổ Hội An" qua cảm nhận của họa sỹ Nhật Bản. (Nguồn: BTC) |
“Qua đó, tác giả muốn khắc họa hình ảnh đất nước Việt Nam với nhiều mảng màu đan xen, vừa có sự chuyển động, đổi thay vừa lắng đọng trong mình sự sâu sắng của trầm tích thời gian”, đại diện Menard Nhật Bản - đơn vị đồng hành tổ chức sự kiện cho biết.
Họa sỹ Toba Mika là một trong những gương mặt nổi bật của mỹ thuật đương đại Nhật Bản, từng được nhận bằng khen của Chính phủ Nhật Bản cho những hoạt động văn hóa đóng góp vào việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Nữ nghệ sỹ đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994. Từ đây, bà bắt tay vào sáng tác hàng loạt tác phẩm khổ lớn, phác họa những phong cảnh, vùng đất của Việt Nam đang chuyển mình trước làn sóng đô thị.
Họa sỹ Toba Mika từng có nhiều triển lãm thu hút sự chú ý của giới mộ điệu tại Việt Nam như: “Huế - Cố đô luôn tràn đầy tình thương” (năm 2005) tại Huế, “Nara và Hà Nội - Kết nối những kinh đô vĩnh hằng” (năm 2010) tại Hà Nội…