Công ty logistics khổng lồ Linfox của Australia - đã có mặt tại Việt Nam từ 13 năm. (Nguồn: logisticsmagazine. com.au) |
Bài báo nhấn mạnh Việt Nam - một quốc gia 97 triệu dân, là một trong những điểm sáng kinh tế thế giới. Nền kinh tế này đang phát triển bùng nổ với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn duy trì trên 6% kể từ năm 2000. Lao động giá rẻ, dân số trẻ, trình độ học vấn cao và các chính sách của chính phủ về giảm thuế và cũng như nhiều ưu đãi khác cho các công ty quốc tế đã đem lại cho Việt Nam sự gia tăng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam cấp giấy phép đầu tư cho hơn 1.720 dự án, tăng 26%.
Đối với nhiều người Australia nói chung và nhà đầu tư Australia nói riêng, Việt Nam không chỉ là một địa điểm nghỉ dưỡng, mà còn có các chính sách đầu tư mở, lao động giá rẻ và lực lượng lao động trẻ.
Đơn cử, ông Wes Maas, cựu cầu thủ đội bóng bầu dục South Sydney, người sáng lập công ty vật liệu xây dựng, thiết bị và dịch vụ Maas Group, có trụ sở tại bang New South Wales, đã phát hiện ra tiềm năng ở Việt Nam từ nhiều năm trước đây. Do công ty cũ Dubbo của ông, mua thiết bị từ Việt Nam trong 18 năm qua, bị thâu tóm, Maas quyết định lập công ty riêng, chuyên sản xuất thiết bị khai khoáng ngầm rộng 30.000 m2. Ông là một trong những doanh nhân Australia đã quyết định đầu tư ở Việt Nam nhờ những chính sách mở cửa của chính phủ, các hiệp định thương mại tự do và lao động giá rẻ và hiệu quả của quốc gia Đông Nam Á này.
Tháng trước, ông Maas đã khánh thành nhà máy trị giá 315 triệu AUD (220 triệu USD), với 320 công nhân, trong đó có 45 kỹ sư, ở một khu công nghiệp rộng lớn ở miền Nam Việt Nam. Theo ông, điểm hấp dẫn nhất đối với ông khi đầu tư tại Việt Nam là tìm được lực lượng lao động lành nghề cho việc chuẩn bị và sản xuất các thiết bị khai khoáng ngầm có thể xuất khẩu từ Việt Nam ra khắp thế giới.
Trong khi đó, Tập đoàn SunRice của Australia cũng đã mua một nhà máy chế biến ở miền Nam Việt Nam vào năm 2018 và đã thực hiện các chương trình sản xuất giống và làm việc với nông dân địa phương để giới thiệu các biện pháp trồng trọt bền vững và tiên tiến hơn.
Với Tập đoàn SunRice, Việt Nam không chỉ là một giải pháp thay thế rất tốt cho vùng Riverina thường xuyên bị hạn hán ở bang New South Wales mà còn có các chính sách thương mại tự do. Giám đốc điều hành của SunRice - Rob Gordon nhấn mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng tích hợp tại Việt Nam, tập đoàn này có thể tiếp cận các thị trường mà hiện không thể tiếp cận từ Australia. Hiện nhà máy chế biến 260.000 tấn lúa của SunRice tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy thương hiệu của công ty.
Ở chiều ngược lại, thương mại du lịch bùng nổ và tầng lớp trung lưu gia tăng ở Việt Nam tỷ lệ thuận với nhu cầu sản phẩm của Australia tăng lên. Ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, Robert Ameln - người đã chuyển gia đình từ Thụy Điển sang Việt Nam vì yêu thích đất nước này khi sang đây du lịch, đang điều hành các hoạt động địa phương cho Food Source International, một tập đoàn có trụ sở tại Trung Đông nhập khẩu sản phẩm của Australia.
Ông cho biết người Việt Nam thích protein, do đó, thị trường này đã tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Rất nhiều người thích sản phẩm của Australia. Ước tính, mỗi năm công ty của Ameln bán 70 tấn sản phẩm của Australia sang thị trường Việt Nam.
Còn công ty logistics khổng lồ Linfox của Australia - vốn có mặt tại Việt Nam từ 13 năm trước, đã mở một địa điểm rộng 100.000 m2 ở miền Bắc Việt Nam vào đầu năm nay. Đây là một trong những trung tâm kho bãi và phân phối lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, rộng gấp đôi các địa điểm mà Linfox có ở Australia.
Tuy nhiên, tác giả bài báo cũng nêu lên thực tế ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp với nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Do đó, các doanh nhân Australia cho rằng khi nhiều hoạt động sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam, quốc gia này cần chi nhiều hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các nút thắt cổ chai tại các cảng biển và ngành điện.
Thống kê cho thấy trong năm 2018, Australia đã xuất khẩu 5 tỷ AUD (3,5 tỷ USD) hàng hóa sang Việt Nam trong khi nhập khẩu 6,1 tỷ AUD (4,2 tỷ USD). Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Australia. Mặc dù có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đóng góp của Australia ở đây vẫn còn khiêm tốn. Ngân hàng ANZ cho biết Việt Nam mới chỉ chiếm 0,1% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Australia.