Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền phát triển Surya Deva thăm và làm việc tại Ủy ban Dân tộc ngày 7/11. (Nguồn: Ủy ban Dân tộc) |
Vì sao ông lựa chọn thăm Việt Nam trên cương vị báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền phát triển?
Các báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc xem xét một số yếu tố để quyết định nên đến thăm quốc gia nào trong hai chuyến thăm chính thức mỗi năm. Tôi chọn Việt Nam, khi cân nhắc một số yếu tố, vì chuyến thăm Việt Nam có thể mang lại cơ hội đánh giá cả tiến bộ trong việc thực hiện quyền phát triển lẫn những thách thức đang diễn ra trong việc đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển Surya Deva. (Ảnh: TT) |
Ấn tượng của ông trong chuyến thăm Việt Nam là gì?
Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo. Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm thúc đẩy chất lượng giới và lồng ghép các quyền lao động hoặc các điều khoản bền vững trong các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của người dân vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Ngoài ra, cần có những nỗ lực lớn hơn để đảm bảo, các nhóm bị thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số và người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong việc thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.
Được biết ông rất quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm quyền con người. Trong chuyến thăm này ông đã có nhiều dịp làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp và đi thăm các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau. Ông có thể chia sẻ những nhận xét và khuyến nghị đã nêu với họ?
Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền phát triển. Tôi đã có cơ hội đến thăm và gặp gỡ đại diện của một số công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Điều thú vị mà tôi thấy được đó là các công ty mà tôi đã đến thăm đang tích hợp các công nghệ và cải tiến mới nhất vào hoạt động của họ, nâng cao phúc lợi cho nhân viên, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc hỗ trợ các dự án cộng đồng.
Tuy nhiên, đại diện của các công ty cần tích cực hơn nữa trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến hành vi kinh doanh có trách nhiệm cũng như các chính sách và quy trình để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là Chính phủ phải khuyến khích hơn nữa để các công ty tuân thủ hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông đánh giá như thế nào về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam? Theo ông, Việt Nam có những điển hình tốt nào về vấn đề này và có những thách thức nào cần phải giải quyết?
Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các cơ quan ra quyết định ở các cấp Chính phủ và hành chính công khác nhau. Ví dụ, 30,26% số ghế trong Quốc hội do phụ nữ nắm giữ và ba trong số 18 bộ trưởng trong Chính phủ Trung ương là phụ nữ.
Cũng cần lưu ý rằng, Luật Lao động năm 2019 của Việt Nam nghiêm cấm và xử phạt hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và Luật Phòng chống bạo lực gia đình áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người đối với bạo lực gia đình.
Dựa trên những bước đi này, Chính phủ cũng nên phê chuẩn Công ước ILO số 190 về Bạo lực và quấy rối, đồng thời thực hiện các biện pháp chủ động nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như sự phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Chính phủ cũng nên thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng thiếu đại diện của phụ nữ khuyết tật và người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp chính quyền.
Ông cho rằng Việt Nam cần có những nỗ lực lớn hơn để đảm bảo, các nhóm bị thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số và người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong việc thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam đang là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Qua chuyến thăm Việt Nam, nhất là các chuyến thăm địa phương, ông có khuyến nghị gì?
Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm nhựa biển. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây nguy cơ lớn nhất đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và những người khác ở vùng sâu, vùng xa, vùng thấp, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ. Các cộng đồng sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng đất bị thoái hóa do canh tác, lũ lụt gió mùa khó lường, hạn hán, nước mặn ngày càng xâm nhập các cánh đồng lúa và lượng muối tích tụ ở các vùng đất gần đó.
Tôi đã tận mắt chứng kiến hiện tượng xói lở bờ biển xã Bảo Thuận, tỉnh Bến Tre do nước biển dâng. Chính phủ cần tiến hành đánh giá tác động môi trường (hoặc xã hội) một cách chặt chẽ trước khi phê duyệt các dự án phát triển mới và cần đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của người dân vào các quá trình đó.
Ông cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam?
Chúng tôi được lãnh đạo Chính phủ các cấp đón tiếp rất nồng nhiệt. Chúng tôi cũng cảm thấy rằng mọi người đều có xu hướng bảo vệ, giữ gìn khu phố và đất nước mình luôn trong sạch. Rất tiếc, tôi chưa có nhiều thời gian để khám phá cảnh đẹp của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Ông Surya Deva (quốc tịch Ấn Độ) bắt đầu đảm nhận vị trí Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển với nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1/5/2023. Hiện ông là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie và Giám đốc Trung tâm Luật môi trường tại Đại học Macquarie, Australia. Ông nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh doanh và nhân quyền, luật hiến pháp so sánh, luật nhân quyền quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới. Ông đã tư vấn cho các cơ quan Liên hợp quốc, chính phủ, các cơ quan nhân quyền quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia, công đoàn và các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và quyền con người. |
| TS. Cù Văn Trung: Quyền được phát triển con người ở nước ta ngày càng được khẳng định sâu sắc TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục cho rằng, quyền phát ... |
| Việt Nam nỗ lực phát huy quyền của người dân tộc thiểu số theo khuôn khổ Công ước CERD Những chủ trương và thành tựu trong việc thúc đẩy quyền con người của Việt Nam trong thời gian qua giúp tạo dựng tiền đề ... |
| Bình đẳng giới không phải là điều gì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện Bình đẳng giới không nhất thiết điều gì đàn ông làm được thì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện, cũng không phải ... |
| GS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Bình đẳng giới nên được nhìn nhận phù hợp với tình hình mới Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ... |
| 'Cùng chung tay, cùng thay đổi' trong hành động vì bình đẳng giới Trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với phụ nữ, trẻ em trở nên quan trọng ... |