📞

Việt Nam - đất nước của hoa sen và hoa huệ

Bakhyt Rustemov 17:03 | 28/06/2022
Bakhyt Rustemov - Viện sĩ, nhà văn Kazakhstan, đồng Chủ tịch Ủy ban Văn học Hội đồng các dân tộc Á-Âu, Chủ tịch Tổ chức Ngoại giao Nhân dân Astana, Chủ tịch Hội các nhà văn thế giới, đã có bài viết kể về những ấn tượng khó quên trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2012...

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Kazakhstan (29/6/1992 - 29/6/2022), Báo TG&VN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết ý nghĩa này:

Việt Nam không chỉ là một đất nước tươi đẹp, người Việt Nam không đơn giản là một dân tộc anh hùng. Việt Nam là một quốc gia có tương lai rộng mở. Với chính sách tự chủ hiệu quả, Việt Nam là một trong những nước chủ chốt ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Tác giả Bakhyt Rustemov đến dự Hội nghị văn học quốc tế tại Hà Nội năm 2015.

Đó là cảm nhận trong chuyến đi đầu tiên của tôi vào tháng 2/2012 tới Việt Nam. Năm nay là tròn mười năm kể từ chuyến đi đầu tiên ấy. Mỗi một đất nước lần đầu đến thăm đều để lại trong ta những cảm nhận dễ chịu. Việt Nam cũng thế, để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ.

Từ sân bay Almaty, chiếc máy bay đưa tôi đến Bangkok, Thái Lan, sau đó hai tiếng, cất cánh đi Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam. Tôi được người của công ty du lịch của ông Lê Văn Nghĩa, Lãnh sự danh dự Uzbekistan tại Việt Nam đón tại sân bay.

Phố cổ Hà Nội quyến rũ tôi bởi vẻ đẹp độc đáo của mình. Tại đây tôi được đi thăm thú địa danh: Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ sáu và nhiều địa điểm khác trong thành phố.

Tôi đã đến chơi nhà của bố mẹ ông Lê Văn Nghĩa. Bố mẹ ông là những người già năng động. Mặc dù đã gần 90 tuổi, bố ông Nghĩa trông vẫn tráng kiện và hỏi tôi rất nhiều về Kazakhstan, về phong tục tập quán của đất nước tôi.

Tôi nhìn thấy trong căn hộ rộng rãi và thoáng mát nhiều tranh ảnh, một trong số đó là bức ảnh Tổng thống Nga Putin hôn bé gái Việt Nam. Cô bé này có vẻ giống với cô bé cháu gái của của ông già tôi mới quen. Qua bức ảnh có thể thấy rõ đây là một gia đình lớn và tràn đầy hạnh phúc.

Sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do nhà văn Bakhyt dịch sang tiếng Kazakh.

Ngày đầu tiên sau khi đến Hà Nội, tôi được mời đến gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông là một người rất chu đáo và dễ mến. Tôi đã tặng nhà thơ cuốn sách mới dịch từ tiếng Nga sang tiếng Kazakh. Tác giả cuốn sách là Lãnh đạo của đất nước Việt Nam tươi đẹp, ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi rất thích những ý tưởng, đề xuất và chương trình của ông.

Lúc đó, Hữu Thỉnh rất thích cuốn sách của tôi. Ông cảm ơn tôi và đánh giá cuốn sách này là “nhịp cầu hữu nghị”. Đó là những bước đi đầu tiên và sự khởi nguồn cho quan hệ văn hóa giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Kazakhstan.

Thành quả lao động này xứng đáng có vị trí trang trọng ở một trong những viện bảo tàng ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Hữu Thỉnh về sự đón tiếp thịnh tình như anh em và hứa sẽ tiếp tục viết nhiều hơn nữa về đất nước Việt Nam tươi đẹp với lịch sử, văn hóa và truyền thống lâu đời.

Về phần mình, tôi mong muốn các bạn Việt Nam viết về đất nước Kazakhstan của chúng tôi. Ông Hữu Thỉnh cho biết có thể Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời một, hai nhà văn Kazakshtan tham dự lễ hội văn học và sẽ cử một số nhà văn Việt Nam sang Kazakhstan để viết bài giới thiệu với độc giả Việt Nam về Kazakhstan.

Tôi cho rằng đây là một sự kiện lớn đóng góp tích cực đối với quan hệ hai nước. Chúng ta cùng chúc nhau thành công trong sự nghiệp sáng tác. Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ hy vọng tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam.

Trong thời gian ở Hà Nội, tôi được dẫn đi tham quan các danh lam thắng cảnh. Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố trông rất đẹp. Ở đó tôi rất vui được chụp ảnh với các bạn trẻ đang dạo bước bên hồ trong ngày cưới của mình, một ngày trọng đại trong cuộc đời. Họ rất ngạc nhiên khi các hướng dẫn viên giới thiệu tôi là vị khách đến từ đất nước Kazakhstan xa xôi.

Ngôi chùa Phật giáo cổ xây dựng từ thế kỷ XI làm tôi ngạc nhiên. Ở đó, tôi nhìn thấy mọi người đặt tiền làm lễ Phật. Thay vì đặt các tờ bạc Việt Nam, tôi đặt lên ban thờ Phật tiền Kazakhstan, đồng tenge. Ở đó, tôi cũng cầu nguyện và khấn Trời Phật phù hộ độ trì sức khỏe cho bản thân và nhân dân Việt Nam, cầu cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Kazakhstan ngày càng củng cố và phát triển.

Tôi rất ngạc nhiên khi được biết ở Việt Nam có đến 50 hay 60 dân tộc cùng sinh sống. Và điều ngạc nhiên hơn nữa là có những người Việt theo đạo Hồi. Thực sự, Việt Nam là đất nước cho phép mọi người có thể hành đạo theo truyền thống của cha ông mình.

Ông Bakhyt Rustemov tham gia Hội nghị văn học quốc tế tại Hà Nội năm 2015.

Thành phố thứ hai tôi đến thăm là Nha Trang. Thành phố này được mệnh danh là “Hòn ngọc” của Việt Nam. Nếu như chúng tôi, những người Kazakh, tự hào về khu nghỉ mát Borovoi, thì người Việt Nam luôn tự hào về Nha Trang. Sự khác biệt ở chỗ thành phố này được công nhận là di sản thế giới. Du khách từ khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về đây. Tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó Borovoi của chúng tôi cũng sẽ thu hút khách du lịch từ nhiều nước trên thế giới.

Tôi cũng rất thích Mũi Né, thuộc thuộc tỉnh Bình Thuận. Ở đây tất cả mọi thứ được sắp đặt chỉn chu sao cho các du khách được nghỉ ngơi thoải mái. Ở đây, tôi đã đi tham quan các chợ, nơi có nhiều sản phẩm thú vị đối, theo đánh giá của người Kazakh như tôi, đặc biệt là các mặt hàng thủ công, đồ lưu niệm của vùng biển. Tất nhiên, tôi đã mua một số thứ làm kỷ niệm và làm quà tặng bạn bè Kazakhstan quê nhà.

Đi cùng với tôi với tư cách phiên dịch là bà Darya Mishukova người Nga xinh đẹp, nhà văn, nhà Việt Nam học. Bà Darya cuốn hút tôi bời những câu chuyện thú vị về Việt Nam. Điều này khiến tôi càng tôn trọng và thêm thích thú đất nước Việt Nam diệu kỳ, nơi quanh năm là mùa hè ấm áp với cỏ cây hoa lá xanh tươi. Cùng vào thời điểm đó thì ở thủ đô Astana thời tiết rất lạnh, băng giá, nhiệt độ xuống -30 độ C.

Ngày nghỉ thứ hai, khu nghỉ mát Ocean Mũi Né tổ chức tổ chức bữa tiệc thịt nướng kiểu Thụy Điển vào buổi tối. Thực đơn buổi tiệc có thịt cá sấu, đà điểu, tôm, ếch, hai loại cá, tim đà điểu, thịt lợn, cánh gà, mực, cua… Mọi người tự chọn lựa ăn tùy theo ý thích của mình. Đầu bếp đứng ngay cạnh bạn nướng thịt. Trừ ếch và thịt lợn, tôi đã lựa chọn ăn tất cả các món.

Thật là một buổi tiệc tuyệt vời. Lần đầu tiên tôi được ăn thịt đà điểu, cá sấu, tôm biển. Để dễ tiêu hóa và dễ dàng tiếp nhận những món ăn đặc biệt phần nào đó chưa quen với mình, một người Kazakh đến từ đất nước thảo nguyên mênh mông, tôi đã uống hết một vại bia.

Sách dịch về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Đây là những tác phẩm đầu tiên của Việt Nam đc dịch sang tiếng Kazakh.

Sau đó hai ngày, chúng tôi cùng với Darya đi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Một anh bạn nổi tiếng sống ở Thành phố đã tổ chức riêng cho tôi cuộc gặp với các sinh viên Việt Nam đang học khoa tiếng Nga tại một trường đại học ở đó. Cuộc gặp diễn ra suôn sẻ. Tôi rất vui được nhìn thấy các bạn trẻ Việt Nam, những người cũng rất quan tâm tới Kazakhstan, đất nước thảo nguyên vĩ đại.

Tôi đã kể cho các bạn trẻ Việt Nam về những thành phố cổ, những vó ngựa của người Saka, Skifax, Guna, người nói tiếng Thổ và đế chế Orde vĩ đại thời hoàng kim. Đây là một đế chế vĩ đại, một nhà nước đa dân tộc ở khu vực Á-Âu. Nhóm dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ đã thống nhất nhiều bộ lạc, dân tộc và quốc gia dưới sự lãnh đạo của triều đại Dzhuchidov, đại diện cho con trai cả của Thành Cát Tư Hãn.

Kiến thức tiếng Nga của tôi cuốn hút các bạn sinh viên yêu tìm tòi, hiểu biết. Trong bài phát biểu của mình, tôi đã giãi bày rằng tôi lớn lên trong môi trường văn hóa Nga. Lúc tuổi thơ, tôi đi nhà trẻ Nga, sau đó học ở trường phổ thông nói tiếng Nga rồi vào đại học.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm các công việc tại các cơ quan nhà nước bằng tiếng Nga. Lúc rảnh rỗi, tôi đọc văn học Nga. Hồi đó, người ta thích đọc các hồi ký về chiến tranh. Tôi đã đọc kỹ phần lớn các cuốn hồi ký, trong đó có cuốn Nhớ lại và suy nghĩ của Nguyên soái, nhà quân sự lỗi lạc Xô Viết Zhukov G.K.

Các sinh viên cũng đặt nhiều câu hỏi với tôi. Chẳng hạn “Ông đã trở thành nhà văn như thế nào?”. Câu trả lời rằng tôi không có ý định trở thành nhà văn làm các bạn trẻ ngạc nhiên. Nhưng điều đó là sự thật. Năm 2008, tôi rơi vào diện tinh giản biên chế, khi đang làm việc ở Văn phòng Tổng thống.

Tôi có 5 con nhỏ và lúc đó đang ở độ chín của cuộc đời. Đi làm thợ xây thì chẳng có ai tuyển vì sức khỏe của tôi đã giảm sút sau nhiều năm làm việc ở cơ quan nhà nước. Nếu như ban ngày tôi làm lái xe taxi, thì buổi tối, buổi đêm tôi ngồi sau máy tính và viết sách.

Có bạn đặt một câu hỏi: “Viết về người dân và đất nước của mình dễ hơn nhiều so với việc viết về đất nước khác. Công việc này đòi hỏi nhà văn nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống. Ông có cảm thấy khó khăn khi viết về đất nước khác không?”. Tôi trả lời: "Tất nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng gì".

Và tôi đã kể cho các bạn sinh viên rằng cần phải làm gì để không thấy ngại và dũng cảm viết về các dân tộc khác trên thế giới và các nước khác. Các bạn trẻ Việt Nam đã lắng nghe tôi trong suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Các sinh viên Việt Nam theo học khoa tiếng Nga nói tiếng Nga tốt.

Tôi cũng kể cho các bạn sinh viên về công việc thường nhật của tôi trong một thể loại văn học mới – báo chí quốc tế, một thể loại xuất hiện sau khi Kazakhstan tuyên bố độc lập (vào năm 1991 – người dịch). Dòng văn học này chỉ có ở những nhà báo và nhà văn Nga, và chỉ có ở Moscow.

Liên Xô là một đất nước đóng cửa với thế giới bên ngoài mà. Không phải tất cả mọi người được ra nước ngoài, đi ra khỏi biên giới đất nước rộng lớn này. Tôi kể cho các bạn sinh viên rằng trong thể loại văn học mới này của tôi còn có hai nhánh phụ là báo chí chính luận và văn học dịch.

Những tác phẩm hiện nay và sắp tới của tôi cần gắn kết nền văn hóa Kazakhstan với nền văn hóa các nước khác. Hơn nữa,đây cũng là đóng góp của tôi, một nhà văn Kazakhstan vào văn hóa thế giới, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Sau cuộc gặp gỡ, có em sinh viên nào đó đề xuất được chụp ảnh lưu niệm và bức ảnh này sau nhiều năm, vẫn luôn nhắc tôi nhớ đến cuộc gặp gỡ lớn khó quên với các sinh viên Việt Nam.

Ông Bakhyt Rustemov gặp gỡ với sinh viên Việt Nam học tiếng Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015.

Một trong những khám phá của tôi trong chuyến đi là được tham quan những ngôi làng Hồi giáo ở Việt Nam trên đường đi ô tô từ Mũi Né về Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhìn thấy một nhà thờ Hồi giáo, một nhà cầu nguyện của người Việt theo đạo Hồi nằm không xa đường.

Chúng tôi cùng với người trông coi nhà thờ cầu nguyện cho sức khỏe và phồn vinh của mọi người trên trái đất này. Tôi đã chụp một bức ảnh trước nhà thờ. Tôi nhìn thấy một nhà thờ Công giáo ngay bên cạnh, phía bên kia đường.

Ở Việt Nam, tôi nhận thấy một tình hữu nghị giữa những người Việt Nam theo các tôn giáo khác nhau. Tất nhiên, công lớn là do nhà nước và các lãnh đạo Việt Nam. Tôi càng kính trọng và cảm phục ban lãnh đạo đất nước và lãnh đạo chính quyền địa phương.

Một điểm tham quan thú vị tiếp theo ở Việt Nam là Vịnh Hạ Long, nơi đó có rất nhiều hòn đảo nhỏ. Chúng tôi được nghỉ ngơi trên tàu tại một trong những kỳ quan trên trái đất, tham quan các hang động tuyệt đẹp trong khí trời mát mẻ. Những thạch nhũ kỳ lạ chảy từ khe đá tạo thành những hình thù tuyệt vời.

Những điều nhìn thấy trong thời gian ở Hạ Long làm tôi ngạc nhiên. Vẻ đẹp của những bến tàu nơi những con tàu, thuyền xếp hàng chờ khách du lịch chuẩn bị lên tàu ra biển. Hạ Long là thiên đường trên trái đất của chúng ta.

Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã dành thời gian tiếp riêng tôi một cách thân tình. Theo như tôi biết, tôi là nhà văn đầu tiên và duy nhất đến từ Kazakhstan và Trung Á được Bộ trưởng tiếp. Sau đó, tôi đã hai lần nằm trong thành phần của đoàn đại biểu các nhà văn quốc tế được Chủ tịch nước Việt Nam (năm 2015) và Phó Chủ tịch nước Việt Nam (năm 2019) tiếp tại Phủ Chủ tịch.

Tôi xin cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã mời tôi tham dự hai Hội Thơ quốc tế tại Hà Nội, tặng tôi huy hiệu của Hội Nhà văn Việt Nam. Những điều “tai nghe, mắt thấy” trong thời gian ở Việt Nam, tôi sẽ mang về nước mình, chuyển tải tới bạn đọc Kazakhstan những ấn tượng mới về một đất nước Việt Nam đang phát triển phồn vinh.

Tôi thường nhớ về những ngọn tháp chàm cổ kính được xây dựng vào thế kỷ XIII ở Vương quốc Champa của dân tộc Chàm, những người theo Ấn Độ giáo và đạo Hồi. Tôi nhớ ngôi trường Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng dạy học lúc lứa tuổi đôi mươi. Tôi nhớ đến tháp nước do Hoàng thân Lào xây dựng, người sau đó đã tiến hành cuộc cách mạng dân chủ và trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của Lào.

Tôi thường nhớ về các chuyến đi Việt Nam và chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp với đồng bào của mình, cũng như đại diện các nước khác. Tôi cầu mong nhân dân Việt Nam đang sống ở xứ sở hoa sen và hoa huệ luôn hưởng thái bình, hạnh phúc và phồn vinh.


Người dịch: Nguyễn Phan Hải – Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan