Kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ là điểm sáng trong năm 2016. (Ảnh: TCTT) |
Đây là nhận định mới nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam mà hãng tin Bloomberg và ngân hàng ANZ vừa đưa ra.
Triển vọng lạc quan
Theo Bloomberg, trong khi các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhu cầu nội địa gia tăng, cùng với sự bùng nổ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang giúp Việt Nam đối phó với hàng loạt những rủi ro mang tính toàn cầu trong năm nay, bao gồm sự lao dốc của thị trường chứng khoán hay sự mất giá của đồng nội tệ. Hãng Bloomberg dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, tương đương với năm 2015.
Trinh Nguyễn, nhà kinh tế học cấp cao các thị trường mới nổi tại Natixis SA, chi nhánh Hong Kong nhận định: “Người dân Việt Nam đang ngày càng trở nên lạc quan hơn về tương lai. Xét trong tổng thể chung của khu vực và cả toàn cầu, họ có cơ hội để làm tốt hơn nữa”.
Trước đó. trong báo cáo tháng 1/2016 về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ có thêm một năm đầy sáng lạng. Theo đó, ANZ đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn giúp tăng cường sự ổn định vĩ mô và giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân năm 2015 tăng 9,3%. Vốn FDI giải ngân tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD.
“Năm 2016 và 2017, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nếu thâm hụt thương mại gia tăng do nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng như ô tô tăng trưởng nhanh hơn nữa” - trích báo cáo của ANZ.
Không chỉ các ngân hàng, tổ chức quốc tế lạc quan với triển vọng của kinh tế Việt Nam, rất nhiều hiệp hội, công ty, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh trong thời gian tới.
Đại diện công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tại Việt Nam cho hay, năm 2015, nhiều đối tác của công ty đều thể hiện sự hài lòng với những thay đổi về môi trường đầu tư và kinh doanh năm 2015. Năm 2016, một loạt các chính sách mới có hiệu lực cũng sẽ khiến Việt Nam thu hút thêm nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, một môi trường vĩ mô ổn định cũng sẽ kêu gọi thêm nhiều vốn ngoại vào Việt Nam trong năm nay.
“Những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng thực sự ấn tượng. Các doanh nghiệp Mỹ đang rất hào hứng trước những cơ hội ở Việt Nam, về những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tích cực đàm phán và ký kết. Hội nhập tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vào đây, mang tới nhiều lựa chọn về dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao hơn. Nếu ở Việt Nam không có cơ hội thì Phòng Thương mại chúng tôi không thể có nhiều thành viên như bây giờ”, ông Adam Sitkoff – Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam khẳng định.
Việt Nam: Trung tâm xuất khẩu của thế giới
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) ngày 18/1 đưa tin, Việt Nam đang tăng cường lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút dòng vốn ngoại. Vì thế, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản không thể bỏ lỡ cơ hội này, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may.
Theo báo này, lý do chính thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam là để đón đầu các cơ hội lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên. Hiệp định được thông qua sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất và gia tăng xuất khẩu tại Việt Nam nhằm gia tăng các đơn hàng sang Mỹ. Bên cạnh đó, kỹ năng tay nghề cao của công nhân ngành dệt may cũng là một điểm mạnh khi so sánh với các nước như Bangladesh và Myanmar dù giá nhân công của Việt Nam cao hơn.
Tới đây, Kuraray Trading – một chi nhánh của nhà sản xuất sợi tổng hợp Kuraray sẽ đầu tư 300 triệu Yen (gần 2,51 triệu USD) để lắp đặt dây chuyền sản xuất đồ thể thao tại Đà Nẵng. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 7/2016.
Công ty này sẽ sản xuất các sản phẩm quần áo thể thao sử dụng vải nhập khẩu từ Nhật và xuất khẩu thành phẩm tới Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 60% trong tổng số lượng công việc may vá sản phẩm của Kuraray. Về lâu dài, công ty cũng đang cân nhắc đầu tư hàng tỷ Yen vào công nghệ dệt nhuộm tại TP.Hồ Chí Minh.
Dệt may đang là ngành đặc biệt thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei Asian Review) |
Hãng sản xuất sợi tơ cotton Nhật Bản Shikibo cũng đang có kế hoạch giảm khối lượng sản xuất ở nhà máy may Trung Quốc và tăng sản lượng nhà máy đối tác ở Việt Nam. Công ty sẽ sớm bắt đầu sản xuất thêm sản phẩm chăn, ga, gối ở Việt Nam.
Không chỉ riêng ngành dệt may, Nikkei Asian Review cho biết, các công ty trong những lĩnh vực sản xuất khác của Nhật Bản cũng đang có bước dịch chuyển tương tự. Nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Rhythm Watch của nước này dự kiến sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, họ chọn Việt Nam vì giá lao động thấp, chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu cho phép người nước ngoài được sở hữu tài sản trong 100 năm, cũng như cho nắm giữ 100% cổ phần ở các công ty đại chúng trong nước, thay vì hạn chế 49% như trước đây. Ngoài việc tham gia TPP, Việt Nam còn tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết một số Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).