Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai. (Nguồn: Bộ Ngoại giao) |
Trong các ngày 9-11/12, tại trụ sở WTO ở Geneva đã diễn ra Phiên họp Rà soát chính sách thương mại lần thứ 7 của Indonesia cho giai đoạn rà soát 2013-2020.
Indonesia đã nhận được gần 900 câu hỏi từ 32 thành viên WTO trước Phiên họp và 43 Thành viên WTO đã phát biểu tại Phiên họp. Điều này cho thấy các Thành viên WTO coi trọng các chính sách và thực tiễn về thương mại và đầu tư của Indonesia. Phiên họp được tổ chức kết hợp với trực tiếp và trực tuyến.
Đoàn Indonesia do Thứ trưởng Bộ Công Thương Jerry Sambuaga làm Trưởng đoàn đã tham dự trực tiếp.
Phiên họp này là cơ hội để các Thành viên WTO xem xét một cách chi tiết và toàn diện các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Indonesia trong khoảng thời gian 6 năm vừa qua (2013-2020).
Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã nhấn mạnh mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Indonesia, đặc biệt Indonesia là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ qua và đang bước vào thời kỳ phát triển với việc cùng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ Việt Nam cảm ơn Indonesia đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các quốc gia Thành viên ASEAN khác cũng như 5 nước đối tác của ASEAN trong việc thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký Hiệp định RCEP ngày 15/11/2020 vừa qua, cho thấy thông điệp mạnh mẽ của khu vực ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Việt Nam hy vọng rằng việc thực hiện Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển các chuỗi cung ứng ở khu vực, đóng góp vào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số biện pháp mà Indonesia thực hiện cũng làm dấy lên một số lo ngại. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Indonesia để tìm giải pháp cho những vấn đề này.
Từ góc độ ASEAN, tại Phiên họp, đại diện ASEAN đã có bài phát biểu khẳng định Indonesia là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong ASEAN, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Indonesia trong ASEAN. Trong đó nhấn mạnh việc các thành viên ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 với thị trường trị giá 2,6 nghìn tỷ USD và hơn 622 triệu dân.
Các thành viên ASEAN cũng đang tiến hành và triển khai Kế hoạch chi tiết AEC 2025 để trở nên tích hợp và gắn kết hơn; cạnh tranh hơn, đổi mới và năng động hơn; tăng cường kết nối và hợp tác ngành; và trở thành một cộng đồng linh hoạt hơn, hòa nhập và hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong hai ngày diễn ra Phiên họp, các thành viên WTO hoan nghênh chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý và các nền tảng mạnh mẽ của Indonesia đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc bất chấp những thách thức toàn cầu hiện nay, với mức tăng GDP trung bình hàng năm là 5,1% từ năm 2013 đến 2019; tăng trưởng kinh tế chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, và đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp thấp, đồng thời giúp Indonesia đạt mức thu nhập trên trung bình lần đầu tiên vào năm 2020.
Các thành viên WTO ghi nhận những nỗ lực của Indonesia nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó có chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng chảy tự do của các mặt hàng thiết yếu.
Các thành viên hoan nghênh các cải cách cơ cấu liên quan đến thương mại của Indonesia tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nỗ lực cải thiện tính minh bạch và giải quyết tham nhũng.
Đồng thời các Thành viên WTO hoan nghênh Indoesia tham gia tích cực vào Hệ thống Thương mại đa phương, phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại, tham gia tích cực trong các cuộc đàm phán của WTO về nông nghiệp, về trợ cấp thủy sản, các Sáng kiến Tuyên bố chung về tạo thuận lợi đầu tư và thương mại điện tử; Indonesia ủng hộ thực hiện đầy đủ Tuyên bố Buenos Aires về Thương mại và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Vai trò của Indonesia tại các nhóm G20, G33 và ASEAN cũng được đánh giá cao. Các Thành viên đã đề cập đến chương trình hội nhập kinh tế của Indonesia trong ASEAN và với các đối tác kinh tế khác thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại khu vực, trong đó có Hiệp định RCEP được ký ngày 15/11/2020.
Bên cạnh đó, một số Thành viên nêu quan ngại và chỉ ra rằng Indonesia vẫn áp dụng nhiều quy định pháp luật gây ảnh hưởng, hạn chế đáng kể các Thành viên tiếp cận thị trường Indonesia và tác động đến khả năng thực hiện các cam kết WTO của Indonesia.
Đặc biệt, các quy định về yêu cầu cấp phép nhập khẩu, hạn chế cảng nhập cảnh, giới hạn quyền kinh doanh, yêu cầu kiểm tra trước khi vận chuyển, nội địa hóa và yêu cầu sản xuất trong nước cũng như hạn chế xuất khẩu (bao gồm thuế và các lệnh cấm); những quy định, yêu cầu này đã tạo ra một mạng lưới xin phép, phê duyệt phức tạp, không hợp lý và gây gián đoạn cho dòng chảy thương mại và đe dọa việc tiếp cận thị trường của Indonesia của các nhà kinh doanh nước ngoài.
Một số thành viên kêu gọi Indonesia dỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường mà các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài đang phải đối mặt và giải quyết các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và vận tải nước ngoài trong việc vận chuyển một số mặt hàng.