TIN LIÊN QUAN | |
Mang mùa Xuân Việt Nam trong Tết Cộng đồng 2020 tại Indonesia | |
Quảng bá du lịch Việt Nam tại Lễ hội đường phố Denpasar, Indonesia |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ Phạm Vinh Quang (thứ ba từ trái) cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia (1959-2019), tháng 11/2019. |
Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam-Indonesia trong năm 2019?
Chúng ta có thể thấy rằng trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp và Indonesia rất bận rộn với các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, quan hệ hai nước vẫn được coi trọng và thúc đẩy trên bốn khía cạnh.
Thứ nhất, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được tăng cường. Tuy Indonesia bận tổ chức bầu cử song hai bên vẫn nỗ lực duy trì được các đoàn thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân... Phía Indonesia có các đoàn của Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Lục quân và lãnh đạo các cấp đã tới thăm Việt Nam. Riêng năm 2019, hai nước đã có 27 đoàn quân sự trao đổi, giao lưu với nhau. Đặc biệt, hai bên đã tổ chức kỷ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia và chuyến thăm của Tổng thống Sukarno tới Việt Nam (1959-2019).
Thứ hai, quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước được thúc đẩy. Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng từ 8,4 tỷ USD năm 2018 lên khoảng 9 tỷ USD trong năm 2019. Với đà này, hai nước có thể đạt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020.
Thứ ba, hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, thể thao, văn hóa, và giao lưu nhân dân được tăng cường. Hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã mở đường bay thẳng tới Bali. Tới đây, các hãng hàng không sẽ mở đường bay thẳng từ Hà Nội tới Jakarta, qua đó tạo đà thúc đẩy giao thương giữa hai nước trong thời gian tới.
Thứ tư, lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia được tăng cường, sự phối hợp giữa hai nước trong khuôn khổ song phương và đa phương ngày càng chặt chẽ. Năm 2019, Indonesia đã thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là điều mà Việt Nam cũng chia sẻ và ủng hộ. Indonesia và Việt Nam đều chủ trương không liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại một nước thứ ba, cũng như tích cực đóng góp nhằm thúc đẩy hệ thống đa phương trên toàn thế giới, thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả khó khăn, khác biệt cũng như xung đột có thể xảy ra.
Một số vấn đề trên biển vẫn là thách thức trong quan hệ song phương. Hai phía đã có những giải pháp gì để khắc phục, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đạt được, còn một vài tồn tại nếu được giải quyết dứt điểm sẽ tạo bứt phá có ý nghĩa cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia. Thứ nhất, vấn đề ngư dân/tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nhau cũng như việc Indonesia có thời điểm sử dụng biện pháp mạnh đối với ngư dân tàu cá Việt Nam. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư cho Ngoại trưởng Retno Marsudi đề nghị phía bạn giải quyết trên tinh thần nhân đạo.
Hiện công tác đưa ngư dân Việt Nam về nước vẫn diễn ra bình thường. Số lượng ngư dân được đưa về nhanh và những người bị giữ ở lại giảm đáng kể; với sự phối hợp sâu sát và kiên quyết của Đại sứ quán, ngư dân ta được các cơ quan liên quan của bạn đối xử nhân đạo hơn và điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn.
Tôi cũng hy vọng rằng vấn đề khó khăn nói trên sẽ được giải quyết dứt điểm với việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Indonesia đặt mục tiêu sớm kết thúc đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Hai bên đã nhiều lần thể hiện rõ quyết tâm, thiện chí chính trị và có nhiều nỗ lực thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được thỏa thuận phân định EEZ, tạo khuôn khổ hợp tác toàn diện hơn, sâu sắc hơn, hiệu quả và thực chất hơn cho quan hệ Đối tác chiến lược.
Ngoài ra, hai nước cần tích cực phối hợp và chia sẻ cùng nhau nhằm vượt qua những thách thức trong lĩnh vực kinh tế; tăng cường khai thác tiềm năng là thế mạnh của hai nước như phát triển nguồn nhân lực, khởi nghiệp. Hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tăng hiệu quả hợp tác kinh tế, giảm thiểu sự cạnh tranh trực tiếp do nhiều mặt hàng xuất khẩu giống nhau, và Việt Nam nhập siêu từ Indonesia. Việt Nam sẽ phải cố gắng khắc phục vấn đề này và có nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn nữa sang Indonesia.
Năm 2020, hai nước kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao. Đâu là phương hướng, kế hoạch lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia?
Năm 2020 là năm đáng chú ý với nhiều sự kiện quan trọng đối với cả hai nước. Đây là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi, đưa ra những phương hướng lớn đối với các vấn đề hệ trọng trong quan hệ song phương cũng như hợp tác tại diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tôi cho rằng phát triển và làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn quan hệ Đối tác chiến lược, qua đó tạo cơ sở bền chặt hơn nữa để hai nước cùng nhau phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác và các đối tác trong việc xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, đoàn kết, phát triển thịnh vượng và tăng trưởng bền vững, không ngừng củng cố và gia tăng vị thế của ASEAN trên cấp độ toàn cầu sẽ tiếp tục là định hướng lớn cho quan hệ hai nước không chỉ cho năm 2020 mà cả những năm tới.
Kỷ niệm 65 năm diễn ra đúng vào thời điểm chúng ta đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và cả hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên cơ sở thực tế cần tiếp tục duy trì đà hợp tác song phương, nhu cầu phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia theo hướng ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, đủ sức đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu ngày càng gia tăng, hai nước dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, trong đó tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là có trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Trong khuôn khổ các chuyến thăm đó, hai bên sẽ tổ chức các cuộc trao đổi ở cấp cao nhất về đường hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới. Đây sẽ là dịp để hai nước nhìn lại quá trình phát triển quan hệ trong thời gian qua, từ đó phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới. Hai nước cũng sẽ xúc tiến các cuộc họp trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế - Thương mại - Khoa học kỹ thuật cấp Bộ trưởng Thương mại. Dự kiến, một loạt văn bản được ký kết, hai bên cũng tổ chức diễn đàn thương mại và đầu tư, Ngày/Tuần văn hóa Việt Nam tại Jakarta và một số tỉnh thành khác như Bali, Yorgyakarta, Bandung, cũng như các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, thể thao.
Nói tóm lại, đối với Việt Nam, Indonesia là nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống, một trong những đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực. Cùng với thời gian, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển bền chặt trên cơ sở kết nối tình cảm mật thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, hai nhà lập quốc vĩ đại, hai lãnh tụ đáng kính, đồng thời là những người bạn thân thiết, người anh em trong đại gia đình Đông Nam Á. Như lời Bác Hồ đã từng nói nhân chuyến thăm Việt Nam cách đây 60 năm của Tổng thống Sukarno, "Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em", đồng thời khẳng định “Tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền”.
| Dấu mốc trong lịch sử lâu dài giữa hai dân tộc TGVN. Ngày 8/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia phối hợp với Bộ Ngoại giao và Trung tâm lưu trữ quốc gia Indonesia đã ... |
| Đại sứ Việt Nam tại Indonesia chúc mừng Đoàn thể thao Việt Nam Tối 8/10, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, do Đại sứ Phạm Vinh Quang dẫn đầu, đã tới làng vận động viên Kemayoran ... |
| Đại sứ VN tại Indonesia phát biểu về chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo Trao đổi với Thế giới & Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Việt Nam (11-12/9), Đại sứ ... |