📞

Việt Nam - Kazakhstan: Toàn diện và vững chắc hơn

09:12 | 03/11/2011
Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, từ ngày 31/10-1/11, cùng với việc ký kết Tuyên bố chung và 6 văn kiện trong các lĩnh vực tư pháp, du lịch, giáo dục, hàng không dân dụng… đã tạo lực đẩy mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhân dịp này, Báo TG&VN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Kazakhstan - ông Vũ Thế Hiệp về ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tại Hà Nội.

Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm nước ta của Tổng thống Nursultan Nazarbayev?

Đây là chuyến thăm chính thức nước ta đầu tiên của Tổng thống Nursultan Nazarbayev, đồng thời là Chủ tịch đảng cầm quyền Nur Otan và cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Lãnh đạo Cộng hòa Kazakhstan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau vào ngày 26/9/1992. Chính vì vậy, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, thể hiện mong muốn và quyết tâm của Lãnh đạo hai nước nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu và lợi ích của hai bên trong bối cảnh cả hai đều đang đẩy mạnh triển khai đường lối đổi mới - hiện đại hóa và phát triển đất nước, từng bước nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Kazakhstan vẫn còn rất "khiêm tốn", với chưa đầy 40 triệu USD trong năm 2010. Theo Đại sứ, đâu là lý do của sự "khiêm tốn" này?

Kim ngạch thương mại hai nước hiện nay đúng là "khiêm tốn" thật. Lý do của tình trạng này có nhiều. Về khách quan, đó là: Hai nước cách xa nhau về mặt địa lý, bạn lại ở sâu trong nội địa, không có cửa ngõ đi ra các tuyến đường giao thông quốc tế; về phương diện nào đó, thực tế này có cản trở giao thương giữa hai bên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ở chỗ trong một thời gian khá dài cho đến khi ta mở Sứ quán ở bạn vào năm 2008, hai bên chưa quan ...tâm đúng mức đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại với nhau; trong khi các doanh nghiệp của cả hai bên thì hầu như đứng ngoài cuộc. Trên thực tế, trao đổi thương mại giữa hai nước hiện nay phần lớn được thực hiện bởi các doanh nghiệp của nước thứ ba, trong đó có Nga và các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ một thực tế khác để không quá bi quan về con số gần 40 triệu USD là trong quan hệ thương mại với Kazakhstan, từ 2010 đến nay, ta là bên xuất siêu so với nhập siêu trước đó. Theo số liệu của bạn, kim ngạnh thương mại hai nước từ 2011 có chiều hướng tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011 đã đạt hơn 33,3 triệu USD, trong đó ta xuất siêu hơn 20 triệu USD.

Những lĩnh vực nào là thế mạnh mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác? Tại sao lại là những lĩnh vực đó, thưa ông?

Về lâu dài, có một số lĩnh vực cụ thể mà hai bên có tiềm năng lớn để hợp tác hiệu quả với nhau, đó là: Năng lượng, bao gồm khai thác dầu khí và than đá; hợp tác sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến nông sản phẩm; du lịch và trao đổi lao động... Bạn rất giàu tài nguyên, trong đó có dầu khí, urani, than đá và các khoáng sản quý hiếm khác. Ta có thế mạnh trong sản xuất hàng tiêu dùng, trong sản xuất và chế biến nông sản. Nông sản của bạn dồi dào (lúa mì, gia súc lớn, bông sợi...), nhưng chưa được chế biến nhiều. Ta có sản phẩm nông nghiệp vùng nhiệt đới dồi dào mà bạn cần như chè, cà phê, gạo, sản phẩm biển, hồ tiêu, hạt điều, ca cao, hoa quả... Bạn có nhu cầu về lao động có tay nghề nhất định; ta có nguồn lao động lớn có thể đáp ứng được. Nước ta có tiềm lực du lịch rất lớn, nhất là du lịch biển là lĩnh vực rất hấp dẫn đối với khách du lịch của bạn, là đất nước lục địa, khí hậu lạnh.

Ngoài ra, triển vọng bạn mở cơ quan đại diện ở ta, hai nước mở đường hàng không trực tiếp, ta ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước Liên minh quan thuế (trong đó có Kazakhstan và Nga), và bạn hoàn thành dự án xây dựng các tuyến đường giao thông xuyên quốc gia nối Tây Trung Quốc với Tây Âu, nối Kazakhstan với vùng vịnh Péc-Xích và Địa Trung Hải cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, bao hàm cả các lĩnh vực cụ thể nêu ở trên.

Xin Đại sứ cho biết kết quả của chuyến thăm này và đánh giá của ông?

Chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan, xét về nhiều mặt thành công tốt đẹp. Điều này được thể hiện không chỉ ở nội dung chương trình phong phú của chuyến thăm, các thỏa thuận đạt được giữa Lãnh đạo hai bên, trong đó gần 10 văn kiện hợp tác các cấp khác nhau được ký, mà quan trọng hơn cả là chuyến thăm đã củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Lãnh đạo hai nước, qua đó tạo ra xung lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Nếu như chuyến thăm chính thức Kazakhstan hồi tháng 9/2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấm dứt tình trạng trì trệ kéo dài và mở ra triển vọng để thúc đẩy quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, thì chuyến thăm chính thức nước ta lần này của Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã đưa quan hệ giữa hai nước bước vào thời kỳ phát triển mới, cân bằng hơn, toàn diện hơn và vững chắc hơn.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Mai (thực hiện)