Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tham dự và phát biểu tại sự kiện có đại diện hơn 110 nước thành viên Liên hợp quốc.
Tại phiên thảo luận, các nước đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm, bài học tốt về tăng cường sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình, xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, đồng thời đề ra các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 1325 trong việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột, gìn giữ và kiến tạo hòa bình, bảo đảm phụ nữ tham gia đầy đủ, công bằng và có ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình.
Trước tác động tiêu cực của chiến tranh, đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng, đại diện Việt Nam cho rằng chấm dứt chiến tranh và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột là nhiệm vụ cấp bách và cách thức hiệu quả nhất để bảo đảm các quyền của phụ nữ. Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là chìa khóa để tạo môi trường hòa bình, trong đó Hội đồng Bảo an cần đóng vai trò tích cực.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ, hoà bình và an ninh theo Nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 10/2009.
Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và các bên liên quan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này thông qua hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và chia sẻ nguồn lực, tận dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao tiếng nói của phụ nữ, đồng thời bảo vệ họ trước các mối đe dọa trên không gian mạng.
Nhân dịp này, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên chia sẻ và nêu bật những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đạt được trong triển khai Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, thể hiện qua tỷ lệ ngày càng cao phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Tháng 8/2024 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên đưa ra Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh để bảo đảm thực hiện đầy đủ và đồng bộ Chương trình nghị sự này ở tất cả các cấp.