Ngày 22/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại Hội nghị ‘Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam’. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thông điệp trên được truyền tải tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” chiều 22/10 tại Hà Nội. Đây là sự kiện đầu tiên có quy mô toàn quốc, lớn nhất về Halal, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trong đó, có hơn 50 đoàn khách quốc tế đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế, trung tâm chứng nhận và các doanh nghiệp Halal uy tín trên thế giới, đại diện ngoại giao của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và thị trường Halal tiêu biểu.
Tận dụng nội lực từ tiềm năng trong nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này. Qua đó, góp phần định hướng cho chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam, mở ra các cơ hội kinh doanh - đầu tư mới.
Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc thúc đẩy ngành Halal Việt Nam. Đó là ý nghĩa kết nối con người Việt Nam với con người thế giới đạo Hồi; kết nối Việt Nam với thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal; kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu đa dạng, phong phú, bền vững; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa của các nước trên thế giới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam mạnh mẽ, toàn diện, chuyên nghiệp, bao trùm hơn.
Về nội lực, theo người đứng đầu Chính phủ, đất nước có ba lợi thế quan trọng để Việt Nam "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong ngành Halal. Thứ nhất, môi trường chính trị - xã hội ổn định, có tiềm lực và quy mô nền kinh tế càng lớn mạnh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi. Thứ hai, kiên định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thứ ba, có nhiều lợi thế để phát triển ngành Halal và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu.
Khẳng định tiềm năng và cơ hội với thị trường Halal, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, Việt Nam có nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng phổ biến và được ưa chuộng sử dụng trên toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho Việt Nam - quốc gia xuất khẩu đa dạng các sản phẩm trên nhiều lĩnh vực. “Ngành Halal Việt Nam ngày càng được quan tâm phát triển, đặc biệt, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất của đất nước xuất khẩu các sản phẩm Halal ra thị trường thế giới”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh ngành Halal Việt Nam". (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát huy “ngoại lực” từ hợp tác quốc tế
“Cùng hợp tác”, “đẩy mạnh hợp tác quốc tế” là ý kiến chung của các đại biểu trong nước và quốc tế đến dự Hội nghị lần này.
Đơn cử như TS. Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ. Ông nhận thấy: “Đây là thời điểm then chốt - thời điểm đòi hỏi sự hợp tác, đổi mới và cam kết không ngừng trong ngành Halal. Hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai, trong đó, Việt Nam dẫn đầu trong thương mại và đầu tư Halal, hưởng lợi từ tiềm năng to lớn của thị trường năng động này”.
Theo TS. Mohamed Jinna, Việt Nam đang bước vào nền kinh tế Halal toàn cầu với sự quyết tâm và tầm nhìn xa. Cơ hội thú vị đối với Việt Nam nằm ở du lịch Halal. Khi thị trường du lịch Hồi giáo tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2026, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Hồi giáo. Để thực sự khai thác tiềm năng này, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chứng nhận Halal. Đây là cầu nối giữa Việt Nam và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu - một cầu nối dẫn đến hoạt động thương mại, quan hệ đối tác và đầu tư chưa từng có.
Trong khi đó, TS. Yousif S.AlHarbi, Phó chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và cam kết về chất lượng, Việt Nam ở vị thế thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn cho các thành phần và sản phẩm được chứng nhận Halal.
Đánh giá cao sự hợp tác giữa Saudi Arabia (thị trường thực phẩm Halal lớn nhất tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi) và Việt Nam, ông Yousif S.AlHarbi tin, hai nước có thể cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái Halal thịnh vượng không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia mà còn đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế Halal toàn cầu.
Còn với Bến Tre - địa phương nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong công tác xúc tiến sản phẩm Halal thời gian qua - Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh, thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế về Halal, các doanh nghiệp của tỉnh đã được tiếp cận thông tin về thị trường, hiểu rõ hơn về cách thức phát triển sản phẩm Halal và kết nối với các đối tác Halal toàn cầu.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến ra mắt “Góc Halal” trên Báo Thế giới và Việt Nam; giới thiệu Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT), Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam và Lễ trao 5 văn kiện hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Halal - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Cơ quan Halal Hàn Quốc, Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu, Học viện Halal thuộc công ty TNHH GAE (Malaysia) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về tiêu chuẩn và Halal. |
Trụ cột mới, động lực mới
Về định hướng của Việt Nam trong phát triển ngành Halal, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam muốn đưa Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước. Đất nước coi Halal là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Đồng thời, chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, giá trị về chung sống hòa bình, thể hiện sự đóng góp, trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng thế giới hòa bình, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự là một ngành thế mạnh, đưa đất nước trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới”.
Để đạt được những thành tựu trên, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần thực hiện năm thúc đẩy, bao gồm: Thúc đẩy hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; thúc đẩy các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam; thúc đẩy quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường; thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, tăng cường hiểu biết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Đồng hành cùng sự phát triển của ngành Halal Việt Nam, không thể thiếu được vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài. Vì vậy, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào”.
Với sự nỗ lực, chung tay của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phát triển ngành Halal chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, bền vững, hiệu quả, góp phần tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững của đất nước.