Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Quốc vụ khanh Ignacio Ybanez điểm lại quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Tây Ban Nha trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Vương quốc Tây Ban Nha Ignacio Ybanez Rubio. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường thúc đẩy quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiện Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm, đạt 2,9 tỷ USD năm 2016.
Tuy nhiên, đầu tư của Tây Ban Nha tại Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Tây Ban Nha. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Tây Ban Nha hoạt động thành công và hiệu quả tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Tây Ban Nha trong năm 2017, tạo đà mới đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Quốc vụ khanh Ignacio Ybanez Rubio bày tỏ vui mừng được thăm Việt Nam, đổng thời khẳng định Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng của Tây Ban Nha tại khu vực.
Quốc vụ khanh Ignacio Ybanez Rubio cho biết, Tây Ban Nha quan tâm gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các thỏa thuận, dự án hợp tác mới, nhất là về kinh tế.
Quốc vụ khanh Tây Ban Nha chia sẻ mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy, triển khai các cơ chế hợp tác; nhất trí phối hợp tổ chức thành công các sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong 40 năm qua.
Về tình hình Biển Đông, Quốc vụ khanh Ignacio Ybanez khẳng định, Tây Ban Nha ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông.