Kinh tế Việt Nam đủ mạnh để tự mình thoát khỏi khủng hoảng. (Nguồn: Zalo) |
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 5,8% trong năm 2024, đứng thứ hai trong khu vực.
Theo báo cáo cập nhật vào tháng 1/2024 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 6% trong năm 2024 nhờ xuất khẩu phục hồi.
Ông Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO nhận định: “Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục đà tăng và đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 6%. Con số này thấp hơn một chút so với mục tiêu chính thức đề ra, có lẽ là vì tốc độ phục hồi xuất khẩu chỉ ở vừa phải”.
Với dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2024, Việt Nam đứng thứ ba trong dự báo của AMRO về tăng trưởng GDP của các nước, sau Philippines (6,3%) và Campuchia (6,2%).
Tăng trưởng ở Việt Nam không còn chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam đã khẳng định vị thế trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm: Công nghiệp 4.0, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và hydro, đồng thời đang thu hút vốn quốc tế.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2023 lên tới 36,6 tỷ USD.
Trong Chỉ số tự do kinh tế năm 2024, Quỹ Heritage nhận định, Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên, đi ngược lại xu hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, Quỹ Heritage cũng chỉ ra những điểm yếu của Việt Nam về pháp quyền tổng thể, mức độ quyền sở hữu, hiệu quả tư pháp.
Mặc dù vậy, ông Oliver Massmann thuộc công ty luật Duane Morris LLC của Mỹ tại Việt Nam nhận thấy, đất nước hình chữ S có những bước tiến trong việc tăng cường pháp quyền.
Ông khẳng định: “Những diễn biến tích cực mới đây bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng mới. Ngày 18/1/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng mới, đưa ra biện pháp bảo vệ tốt hơn nhằm chống biển thủ và đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn đối với các ngân hàng đang gặp khủng hoảng.
Trên hết, luật này đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt. Đây là sự cải thiện vô cùng quan trọng ở Việt Nam (cũng như các nơi khác trên thế giới). Một khía cạnh tích cực khác là việc cải cách Luật đất đai. Giá đất hiện giờ sẽ theo sát giá thị trường hơn”.
GS. TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann tại Hà Nội thì cho rằng, cần thành lập trung tâm tài chính ở TP. Hồ Chí Minh. Việc này cũng được thảo luận trước đó.
"Việt Nam có thể học theo Dubai - nơi tạo ra 14% GDP ở trung tâm Tài chính quốc tế có diện tích 1 km2. Một trung tâm tài chính tương tự ở TP. Hồ Chí Minh có thể là bước tiến lớn trên lộ trình hướng tới nền kinh tế thị trường tự do”, GS. TS. Andreas Stoffers nhấn mạnh.