📞

Việt Nam lần đầu tiên có Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn tê tê

11:15 | 22/02/2016
Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ chú trọng vào công tác bảo tồn thú ăn thịt và tê tê tại Việt Nam.
Bên trong Trung tâm có nhiều sách, mô hình về các loài động vật quý hiếm để du khách tìm hiểu...(Ảnh: SVW)

Lễ khai trương Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn động vật hoang dã đầu tiên tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên Cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức ngày 20/2 nhân kỷ niệm 5 năm Ngày bảo tồn tê tê thế giới.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan Nhà nước, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cùng các nhà bảo tồn, các em học sinh tại địa phương.

Tại Lễ khai trương đã diễn ra các trò chơi, giao lưu, chiếu phim giới thiệu về tê tê, các hoạt động ngoại khóa nâng cao kiến thức về tê tê và bảo vệ các loài động vật hoang dã dành cho các em nhỏ và khách tham quan.

Bà Hồ Thị Kim Lan, Quản lý Trung tâm Giáo dục và Bảo tồn động vật hoang dã cho biết, Trung tâm được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho công tác giáo dục bảo tồn tại Việt Nam.

“Giáo dục chính là chìa khóa cho công tác bảo tồn. Không gian sáng tạo và đầy tính tương tác tại đây sẽ giúp đông đảo cộng đồng thỏa thích khám phá, học hỏi về các loài sinh vật, hiểu được những mối đe dọa chúng phải đối mặt, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các loài vật quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, bà Lan nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia trò chơi ghép hình tê tê. (Ảnh: SVW)

Nhiều người dân ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á tin rằng, vảy tê tê là một loại dược liệu quý, giúp bổ tuần hoàn, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh hay chữa được ung thư. Trên thực tế, vảy tê tê có bản chất là keratine - chất cấu tạo nên tóc, móng tay móng chân của các loài động vật nói chung, kể cả con người.

Bên cạnh đó, thịt tê tê còn được coi là một món ăn sang trọng vào hàng bậc nhất. Máu tê tê cũng được coi là một loại thuốc bổ. Tuy nhiên, sự thật về công dụng thải độc, trị ung thư, giúp tráng dương bổ thận... qua việc uống tiết, ăn thịt của những chú tê tê thì chưa được một cơ sở y tế nào chứng thực.

Tê tê đang bị tận diệt với một tốc độ hết sức đáng báo động. Đáng buồn hơn nữa, những nỗ lực nhằm cứu loài động vật hiền lành này nhận được rất ít sự chú ý từ công chúng. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã, có tới 2/3 người dân Việt Nam không biết đến con tê tê/trút và có trên 90% người Việt không biết Việt Nam có hai loài tê tê.

Tại Việt Nam, việc săn bắt hay vận chuyển trái phép tê tê có thể bị phạt tối đa 7 năm tù và nộp phạt 450 triệu Đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, khiến công tác bảo vệ tê tê còn gặp rất nhiều khó khăn.