Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Linh Lan. |
Xin Bà chia sẻ những đặc điểm trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mexico?
Việt Nam và Liên bang Mexico thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/5/1975, trong vòng chưa đầy một tháng sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/04/1975. Cử chỉ này thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc của nhân dân, Chính phủ Mexico dành cho nhân dân Việt Nam, bắt nguồn và được hun đúc từ những năm 60 khi phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phát triển mạnh mẽ ở Mexico.
Có thể nói, đặc điểm nổi bật, xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao 40 năm qua giữa Việt Nam và Mexico là tình cảm hữu nghị, hợp tác truyền thống bắt nguồn và được nuôi dưỡng bởi sự đồng cảm sâu sắc giữa hai quốc gia có truyền thống đấu tranh vì độc lập dân tộc mạnh mẽ trước đây và đang tích cực xây dựng đất nước ngày nay. Sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với truyền thống hào hùng đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam của các bạn Mexico đã trở thành sự ủng hộ đối với công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước cũng như mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Đặc điểm thứ hai trong quan hệ chính trị ngoại giao Việt Nam và Mexico là sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ), Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… đặc biệt trên những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… Năm 2009, cả hai nước được bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ và đã cùng đóng góp tích cực vào việc gắn chương trình nghị sự phát triển vào mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.
Thứ ba, quan hệ giữa Việt Nam và Mexico 40 năm qua được gắn kết chủ yếu bởi sự đồng cảm và tình hữu nghị trong khi vẫn thiếu vắng một khuôn khổ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Xét từ góc độ quy mô hai nền kinh tế, vị trí chiến lược của mỗi nước ở khu vực Đông Á và Bắc-Trung Mỹ, cũng như những tiềm năng của hai nước, có thể thấy hợp tác thương mại, đầu tư còn chưa được khai thác triệt để. Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đi vào ký kết, hai nước cần sớm thúc đẩy tạo dựng khuôn khổ đối tác hợp tác toàn diện để khai thác hiệu quả hơn nữa cacs tiềm năng thế mạnh của mỗi bên, phục vụ mục tiêu phát triển của hai đất nước.
Là Đại sứ nữ đầu tiên được cử tới nhận nhiệm vụ tại quốc gia Mỹ Latin xa xôi, xin bà chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình?
Trước hết, tôi rất vinh dự được là Đại sứ nữ đầu tiên đến nhận nhiệm vụ tại Mexico và kiêm nhiệm bốn nước khu vực Trung Mỹ, gồm Guatemala, Honduras, El Savador và Belize.
Tiếp theo đó, tôi nhận thấy nhiệm vụ của mình nặng nề và đầy thách thức. Quan hệ với Mexico còn rất nhiều tiềm năng và Đại sứ quán (ĐSQ) cần thúc đẩy để hiện thực hóa những tiềm năng đó. Liên bang Mexico (gồm 32 bang) là một nền kinh tế năng động, một quốc gia tầm trung và giữa hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác. Với dân số hơn 120 triệu người, GDP 1.3 nghìn tỷ (2014), Mexico là nền kinh tế lớn thứ hai (sau Brazil) ở khu vực Mỹ Latin, thứ 12 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17.900 USD theo cân bằng sức mua (PPP), thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao, thành viên của G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đạt trình độ khá cao trong những lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, năng lượng, sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp điện tử, nông nghiệp... Mexico cũng là nền kinh tế có độ mở cao, đã ký hiệp định thương mại tự do với 46 nước (chiếm tới 90% tổng thương mại của Mexico), tạo vị trí thuận lợi cho Mexico trong một thị trường lên tới 1 tỷ người. Đặc biệt, là thành viên của Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mexico có vị trí địa chiến lược, có 3,155 km biên giới với nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới là Hoa Kỳ. Sau 20 năm kể từ khi NAFTA có hiệu lực, nền kinh tế của Mexico ngày càng gắn chặt với Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nhập khẩu lớn thứ ba của Mỹ với tổng thương mại song phương lên tới 507 tỷ.
Đại sứ Lê Linh Lan trình Quốc thư lên Tổng thống Liên bang Mexico Enrique Peña Nieto, tháng 2/2015. |
Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mexico có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latin (sau Brazil) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mexico tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trao đổi thương mại song phương tăng trung bình 20%-30% năm, đạt 2,19 tỷ USD năm 2014 theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, trong đó Việt Nam xuất siêu đạt gần 2,02 tỷ USD và nhập từ Mexico gần 174 triệu USD.
Mặc dù đã có những bước phát triển tích cực, hợp tác giữa hai nước còn chưa thực sự tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác vì những khó khăn như khoảng cách xa xôi về địa lý, chưa có tuyến vận tải và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ và thiếu thông tin về đất nước, con người, môi trường kinh doanh.
Để thúc đẩy hợp tác và khai thác hiệu quả hơn nữa thế mạnh tiềm năng của mỗi nước, hai bên cần đẩy mạnh triển khai một số biện pháp lớn trên ba hướng. Một là, tăng cường hơn nữa trao đổi, tiếp xúc các cấp đặc biệt là cấp cao, tạo xung lực chính trị và hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Hai là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là việc thiết lập Ủy ban hợp tác liên chính phủ, ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên. Ba là, tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin về chính sách, môi trường và cơ hội kinh doanh, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp. Cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước ở Mexico City và Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa vai trò cầu nối, thông tin về thế mạnh, năng lực sản xuất và xuất khẩu, văn hóa, tập quán làm ăn và tiêu dùng của thị trường.
Sau hơn 6 tháng công tác tại quốc gia giàu bản sắc văn hóa này, xin bà chia sẻ ấn tượng của mình về đất nước và con người Mexico?
Ngay từ những ngày đầu tiên đến Mexico, những hiểu biết và kỳ vọng của tôi về một đất nước tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện và nồng hậu đã được khẳng định trên thực tế. Hơn thế nữa, sự đồng cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Việt Nam thực sự là một lợi thế đối với Đại sứ Việt Nam tại Mexico. Tôi cảm thấy được hoan nghênh và chào đón tại đất nước này.
Tại Mexico trong những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào nhân dân Mexico xuống đường biểu tình, mít tinh ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. ĐSQ luôn trân trọng những tình cảm hữu nghị, sự đồng cảm và ủng hộ nhiệt thành của nhân dân Mexico. Đồng thời, ĐSQ cũng nhận thức rõ sự thiếu thống tin và hiểu biết của bạn bè Mexico về đất nước Việt Nam ngày nay, đang trên con đường Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, ĐSQ chủ trương tập trung cao nhằm tích cực vun đắp, phát huy những tình cảm hữu nghị tốt đẹp đó thành sự ủng hộ đối với Việt Nam và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế.
Dù tới Mexico nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng hẳn bà đã có những kỷ niệm đẹp với đất nước và con người nơi đây?
Năm 2015 là năm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mexico. ĐSQ coi đây không chỉ là cơ hội để kỷ niệm những thành tựu hai bên đã đạt được trong bốn thập kỷ qua mà còn là dịp quan trọng để hai bên thúc đẩy đưa quan hệ Việt Nam – Mexico lên một tầm cao mới. Trên cơ sở đó, ĐSQ đã và đang triển khai nhiều hoạt động phong phú nhằm làm sống động hơn nữa hình ảnh đất nước Việt Nam ngày nay trong lòng bạn bè Mexico với trọng tâm là tăng cường hiểu biết về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của công cuộc Đổi mới ba thập kỷ qua, về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, phát triển kinh tế năng động và hội nhập quốc tế toàn diện.
Sự kiện Tọa đàm và chiếu phim về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác (19/5/2015) tại Giảng đường Hồ Chí Minh thuộc Khoa Kinh tế, Trường Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Những người bạn Mexico tại Trường UNAM đã luôn gìn giữ bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do một sinh viên Mexico vẽ vào năm 1968 tại Giảng đường mang tên Người, một bức chân dung sống động được thực hiện với lòng kính yêu và ngưỡng mộ to lớn đối với Bác Hồ. Hơn thế nữa, những giáo sư có mặt tại đó đã chia sẻ những kỷ niệm khi còn là sinh viên đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh và ủng hộ Việt Nam, trao cho Đại sứ Việt Nam những bài báo ca ngợi và ủng hộ nhân dân Việt Nam mà họ đã gìn giữ suốt những năm qua. Tôi thật sự xúc động vì tình cảm sâu đậm của những người bạn Mexico đối với Việt Nam vẫn mạnh mẽ, bất chấp thời gian và thăng trầm của lịch sử.
Theo bà, dù xa cách khá lớn về địa lý thì Việt Nam và Mexico vẫn có những cơ hội, tiềm năng hợp tác kinh tế khả thi nào?
Mặc dù xa cách về địa lý và tồn tại những khó khăn như đã nêu ở trên, chúng ta vẫn có thể lạc quan về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico vì 3 yếu tố chủ yếu:
Thứ nhất, nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, sự chia sẻ những điểm tương đồng và thiện cảm sâu sắc giữa nhân dân và chính phủ hai nước là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thứ hai, hai nước đều là các nền kinh tế phát triển năng động và độ mở cao, thị trường nội địa lớn (Mexico hiện có khoảng 120 triệu dân, Việt Nam có 90 triệu dân). Mexico là nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ La tinh, thứ 12 trên thế giới, thành viên của G20, đạt trình độ khá cao trong những lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, năng lượng, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, nông nghiệp… Tương tự như vị trí của Việt Nam tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mexico có vị trí địa kinh tế và chiến lược quan trọng thuộc khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ-NAFTA (gồm Hoa kỳ, Canada và Mexico), có thể đóng vai trò cầu nối cho việc Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một cửa ngõ vào thị trường Bắc Mỹ.
Thứ ba, cả hai nước hiện đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 trong khi Mexico hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Chính phủ của Tổng thống Enrique Peña Nieto (nhiệm kỳ 2012-2018) đang đẩy mạnh triển khai tiến trình cải cách cơ cấu (năng lượng, viễn thông, tài chính, giáo dục…), cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Những yếu tố nêu trên cùng với khả năng sớm ký kết TPP sẽ mở ra những cơ hội to lớn để hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư, đưa quan hệ bạn bè truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trở thành quan hệ đối tác hợp tác thực chất, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển của Việt Nam và Mexico, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại mỗi khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Khánh Nguyễn (thực hiện)