Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Scott Morrison tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 23/8. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Wes Maas – chủ công ty Mass Group, một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu, trang thiết bị và dịch vụ xây dựng có trụ sở tại bang New South Wales (Australia), đã sớm nhận ra những tiềm năng sẵn có tại Việt Nam từ nhiều năm trước đó.
Điểm đến hấp dẫn
Công ty Mass Group đang có kế hoạch chào bán 200 triệu USD cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán Sydney. Trong 18 năm qua, công ty này từng nhập thiết bị từ Việt Nam nhưng khi đối tác địa phương bị mua lại, ông Mass đã quyết định tự sản xuất.
Công ty của ông đã đẩy nhanh dự án xây dựng nhà máy có quy mô 30.000 m2 đầu tiên tại Việt Nam, chuyên sản xuất các thiết bị khai mỏ dưới lòng đất. Dự án có tổng mức đầu tư là 315 triệu USD, bao gồm 320 nhân viên và 45 kỹ sư lành nghề. Trong vòng 8 tháng, nhà máy đã hoạt thành, vượt xa kế hoạch so với dự kiến.
Ông Wes Maas chia sẻ, điều hấp dẫn nhất của ông khi đầu tư tại Việt Nam đó chính là nguồn lao động lành nghề, giá rẻ, có thể giúp công ty sản xuất những thiết bị khai khoáng để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, mức lương trung bình của lao động Việt Nam lại chỉ bằng 1/10 so với Australia.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu là thị trường quốc tế, tuy nhiên việc tìm nhân lực có trình độ kỹ thuật cao ở Australia là gần như không thể”, ông Mass trao đổi với tờ Australian Financial Review.
Và ông Wes Maas là một trong những doanh nhân Australia thực sự bị hấp dẫn bởi Việt Nam, bởi những chính sách mở cửa của Chính phủ, các hiệp định thương mại tự do, nguồn lao động giá rẻ và hiệu quả tại quốc gia 97 triệu dân này.
Trong khi đó, Tập đoàn SunRice của Australia cũng đã mua một nhà máy chế biến ở miền Nam Việt Nam vào năm 2018 và đã thực hiện các chương trình sản xuất giống và làm việc với nông dân địa phương để giới thiệu các biện pháp trồng trọt bền vững và tiên tiến hơn.
Với Tập đoàn SunRice, Việt Nam không chỉ là một giải pháp thay thế rất tốt cho vùng Riverina thường xuyên bị hạn hán ở bang New South Wales mà còn có các chính sách thương mại tự do.
Giám đốc điều hành của SunRice - Rob Gordon nhấn mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng tích hợp tại Việt Nam, Tập đoàn này có thể tiếp cận các thị trường mà hiện không thể tiếp cận từ Australia. Hiện nhà máy chế biến 260.000 tấn lúa của SunRice tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy thương hiệu của công ty.
Tờ Australian Financial Review nhấn mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm sáng kinh tế thế giới. Nền kinh tế đang phát triển bùng nổ với đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn duy trì trên 6% kể từ năm 2000. Lao động giá rẻ, dân số trẻ, trình độ học vấn cao và các chính sách của chính phủ về giảm thuế và cũng như nhiều ưu đãi khác cho các công ty quốc tế đã đem lại cho Việt Nam sự gia tăng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam cấp giấy phép đầu tư cho hơn 1.720 dự án, tăng 26%.
Đối với nhiều người Australia nói chung và nhà đầu tư Australia nói riêng, Việt Nam không chỉ là một địa điểm nghỉ dưỡng, mà còn có các chính sách đầu tư mở, lao động giá rẻ và lực lượng lao động trẻ.
Nhận định về làn sóng các doanh nghiệp Australia vào Việt Nam, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick khẳng định, thời gian qua, nhiều thương vụ đầu tư quy mô nhỏ từ Australia đã được thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
“Nhiều nhà đầu tư cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam; chính họ đã kể cho chúng ta câu chuyện về một Việt Nam ngày càng hiện đại, hứa hẹn nhiều nhà đầu tư không chỉ từ Australia mà các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào đây.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Australia đã tìm thấy tiềm năng đầu tư ở đây, đặc biệt với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, GDP tăng hơn 6,8% trong năm ngoái, đây là một con số rất ấn tượng. Tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn thế nữa. Chính điều này sẽ là một lực hút lớn đối với các nhà đầu tư”, ông Craig Chittick cho hay.
Cùng đón cơ hội từ CPTPP
Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Australia là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu. Do đó, Australia đã và đang trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ rất tiềm năng của Việt Nam.
Australia cũng là đối tác của Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA) từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Australia vẫn còn khá hạn chế.
Việc Việt Nam và Australia cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo bà Phùng Thị Lan Phương sẽ tạo cơ hội lớn để hai nước thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Trong CPTPP, Australia có thêm nhiều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… cho Việt Nam so với AANZFTA, mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Trước hết, đó là cơ hội từ các cam kết cắt giảm thuế quan của Australia trong CPTPP. Theo đó, Australia cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm. Như vậy, chỉ trong vòng 1, 2 năm tới toàn bộ hàng hóa của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Australia với thuế quan bằng 0%.
Việc cùng là thành viên của CPTPP, mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia. (Nguồn: Vneconomy) |
Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Australia tháng 3/2018, chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng khẳng định, quá trình đổi mới, cải cách của Việt Nam cùng những chỉ số, cơ hội được quốc tế đánh giá trong thời gian vừa qua khá tích cực nên đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Australia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc Việt Nam và Australia đều là thành viên tích cực Hiệp định CPTPP cùng với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược đã thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Australia đối với thị trường Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện sự quan trọng của thị trường Việt Nam trong đầu tư của doanh nghiệp Australia.
“Họ vốn có nhiều doanh nghiệp mạnh trong tất cả lĩnh vực nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vào Việt Nam, trong đó có cả những doanh nghiệp trong top 500 của thế giới. Lần này thì các doanh nghiệp này đã đến diễn đàn của ta. Tôi cho đấy là những biểu hiện tích cực và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những làn sóng đầu tư lớn từ Australia vào, kể cả trực tiếp và gián tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy trong năm 2018, Australia đã xuất khẩu 5 tỷ AUD (3,5 tỷ USD) hàng hóa sang Việt Nam trong khi nhập khẩu 6,1 tỷ AUD (4,2 tỷ USD). Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Australia. Mặc dù có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đóng góp của Australia ở đây vẫn còn khiêm tốn. Ngân hàng ANZ cho biết Việt Nam mới chỉ chiếm 0,1% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Australia. |