Ngày 21/7, tại buổi họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn AFP về việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó có nêu tên Việt Nam và một số quốc gia khác, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. (Ảnh: Quang Đào) |
"Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 vào tháng 2/2021, thời gian qua Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các Bộ, ngành và địa phương; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Ngày 18/7 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người."
Trước đó, vào sáng ngày 21/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có phát biểu về thông tin này và khẳng định:
"Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam."
Theo AFP, hôm 19/7, Hoa Kỳ đã thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người, vì không có hành động nào để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân.
| Thông điệp phòng chống mua bán người bằng hình thức triển lãm trực tuyến Ngày 21/12, triển lãm nghệ thuật trực tuyến tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với chủ đề "Đường đến bình yên" đã được ... |
| Biên phòng Quảng Trị: Phá đường dây xuất cảnh trái phép quy mô lớn Ngày 10/12, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa đấu tranh thành công Chuyên án QT 1221, triệt phá đường ... |