Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về tình trạng buôn người thường niên năm 2021 trên thế giới.
Bên cạnh việc ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã có những "nỗ lực đáng kể" trong việc phòng, chống tình trạng buôn người, báo cáo tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai; đồng thời có những đánh giá thiếu khách quan, nhiều điểm chưa phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trước hết, báo cáo chưa đề cập việc Việt Nam nằm trong khu vực điểm "nóng" về tình trạng buôn bán người.
Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp.
Số nạn nhân bị mua bán khoảng 11,7 triệu người (chiếm 70% số nạn nhân bị mua bán trên thế giới, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái; 45% là nam giới).
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân (từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân).
Nạn buôn bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Những dữ liệu trên cho thấy, Việt Nam phải chịu áp lực rất lớn về nạn buôn bán người. Tuy nhiên, Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Đặc biệt, trong gần 2 năm qua, dù phải tập trung đối phó với dịch Covid-19, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 130/CP) và Luật Phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP).
Trong đó, nổi bật là vai trò hoạt động của Cơ quan thường trực Chương trình 130/CP ở Trung ương và địa phương trong việc tham mưu đề xuất các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chương trình, nhất là tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg (ngày 9/2/2021) về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, đặc biệt là hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7".
Ở các địa phương, từ năm 2019 đến nay, hơn 100 nghìn sự kiện truyền thông cộng đồng đã được tổ chức cho trên 5 triệu lượt người tham dự.
Cùng với đó, hơn 1.000 lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cũng được tổ chức cho cán bộ các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 địa phương; xây dựng, duy trì hoạt động gần 1.100 câu lạc bộ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em tự tin, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.
Ban Chỉ đạo 138/CP cũng ban hành các kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan theo từng giai đoạn và hàng năm, được cập nhật, bổ sung số liệu kịp thời.
Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả, qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng.
Hệ thống pháp luật từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
| Hoa hậu H’hen Niê đồng hành tuyên truyền về phòng chống mua bán người |
Quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế không ngừng được mở rộng, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này; từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Đề cập nội dung này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng khẳng định, Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư một cách hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và nạn mua bán người. Chính phủ cũng đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, Việt Nam hiện nay đang rà soát, nghiên cứu nhằm xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của thực trạng mua bán người.
Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương của Việt Nam quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng.
Vì thế, Việt Nam rất cần sự ủng hộ, phối hợp của các quốc gia, tổ chức quốc tế có cùng mối quan tâm đối với hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người.
Để từ đó, Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục có những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
| Phòng, chống mua bán người, bảo đảm an ninh con người Bảo đảm an ninh con người là việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe dọa ... |
| Việt Nam phản đối việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về nạn mua bán người TGVN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2020 về tình ... |