Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), có khoảng bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong mười nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỉ USD vào năm 2013, chiếm đến 8% GDP cả nước.
Báo cáo của CIEM nhận định, trong giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%, với tổng giá trị kiều hối hơn 80 tỷ USD. Dòng vốn này tăng trưởng cao trong giai đoạn 2000-2007 và sụt giảm trong giai đoạn 2007-2017, với tổng mức giá trị dao động tương đương gần 8% GDP cả nước.
Trong đó, Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010-2012 chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Australia (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).
Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Việt Nam. Trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối vào là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước.
Bên cạnh đó, kiều hối tại Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp vào các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai quốc gia bằng cách hấp thu nguồn thâm hụt thương mại khổng lồ (đặc biệt là trước năm 2012) và bù vào các khoản thâm hụt thu nhập đầu tư.
Kiều hối đã giúp Việt Nam tích dự trữ ngoại hối, nhất là trong 2-3 năm vừa qua. Kiều hối không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI và ODA có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ. Ngoài ra, kiều hối còn là một nguồn vốn quan trọng của Việt Nam trong việc tăng tiết kiệm, đầu tư; giảm gánh nợ; giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao tính bền vững của nợ nước ngoài.
Theo báo cáo, trong lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiều hối chiếm phần lớn nhất dùng để gửi ngân hàng nhận tiền lãi (chiếm hơn 30%); Sản xuất và dịch vụ (27-30%), đầu tư và kinh doanh vàng (khoảng 20%) và thị trường bất động sản (16-17%) trong 3-5 năm gần đây. Có đến 40% người tham gia khảo sát cho rằng kiều hối có vai trò quan trọng và đáng kể trong đời sống hàng ngày của gia đình. Chỉ có 0,7% và 21,65% người tham gia khảo sát trả lời rằng tiền kiều hối không có vai trò đáng kể và không mấy quan trọng trong cuộc sống của gia đình.
Việc sử dụng kiều hối như thế nào cũng có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành. Ví dụ, người nhận kiều hối tại TP.HCM đã dành tới 44-45% tổng kiều hối nhận được để phục vụ chi tiêu hàng ngày, trong khi tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình,... có nhiều người đi xuất khẩu lao động nên phần lớn người dân dùng để trả nợ. Tại Hà Nội, Nghệ An, kiều hối còn được đóng góp để xây dựng nhà thờ cho dòng tộc.
“Mặc dù việc kiều hối có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển tích cực của kinh tế xã hội là có thể đoán trước, nhưng chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhận thấy mức độ quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của nguồn lực kinh tế này với mọi mặt trong đời sống người dân”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Giám đốc, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương cho biết.
Báo cáo dự báo, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 11-12 tỷ USD, tổng số tiền kiều hối vào Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ tăng so với năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2017, dòng tiền kiều hối sẽ bắt đầu giảm nhẹ.
Giang Ly