Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh, Việt Nam có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh đều đang tích cực thu hút đầu tư vì vậy, Vĩnh Phúc phải thể hiện được sức hấp dẫn riêng của mình.
Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua?
Quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam ngay cả trong dịch Covid-19 vẫn phát triển thuận lợi trên mọi phương diện bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, được cho là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay và là quan hệ đối tác có tiềm năng vô hạn.
Nhật Bản mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Nhật Bản đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt 64 tỷ USD. Tôi hy vọng, Nhật Bản có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Nhật Bản và tháng 5/2022, Thủ tướng Kishida đã sang thăm Việt Nam. Qua hai chuyến thăm này, quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Và làm thế nào để thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa là sứ mệnh rất quan trọng của tôi.
Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang có 56 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Vĩnh Phúc. Tỉnh hiện cũng đã ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị với hai địa phương của Nhật Bản là tỉnh Akita (năm 2015) và tỉnh Tochigi (năm 2021). Đại sứ nhận định thế nào về tiềm năng phát triển các hợp tác mới giữa hai nước tại Vĩnh Phúc?
Tỉnh Vĩnh Phúc có kết nối thuận tiện với Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài. Điều này đã thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư từ rất sớm.
Đến nay, tổng vốn đầu tư của các công ty Nhật Bản vào tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt 2 tỷ USD. Điển hình là Khu công nghiệp Thăng Long III tại Vĩnh Phúc là nơi tập trung đông đảo doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, đặc biệt là trong ngành sản xuất chế tạo, như Toyota và Honda. Điều đó cũng đã đem lại lợi ích to lớn về kinh tế cho địa phương.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị với tỉnh Akita và Tochigi, cho thấy Vĩnh Phúc rất tích cực thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa các chính quyền địa phương.
Tôi cho rằng, mối quan hệ về mặt kinh tế giữa Nhật Bản với tỉnh Vĩnh Phúc có tiềm năng phát triển rất lớn.
Được biết, Đại sứ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Kết nối Vĩnh Phúc - Nhật Bản: Hợp tác - Phát triển năm 2022, Đại sứ có kỳ vọng gì ở sự kiện lần này?
Hội nghị Kết nối Vĩnh Phúc - Nhật Bản lần này được tổ chức kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, vì vậy không chỉ những người đang ở Việt Nam mà cả những người đang ở Nhật Bản cũng có thể tham dự từ xa. Đây là một cơ hội rất tốt để tỉnh Vĩnh Phúc thu hút đầu tư hơn nữa từ phía Nhật Bản.
Việc thể hiện được sức hút của tỉnh là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Việt Nam có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh đều đang tích cực thu hút đầu tư vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc phải thể hiện được sức hấp dẫn riêng của mình.
Tôi sẽ có một bài phát biểu về những điều doanh nghiệp Nhật Bản nên chú trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, nêu bật ba điểm là ngôn ngữ (tiếng Nhật), thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng. Tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều lợi thế, nếu duy trì và cải thiện được ba vấn đề trên thì sức hút đầu tư sẽ gia tăng hơn nữa.
Đại diện của các tỉnh Akita và Tochigi chắc chắn sẽ góp mặt tại Hội nghị lần này và có thể, các địa phương khác của Nhật Bản quan tâm đến Vĩnh Phúc cũng sẽ tham dự. Nếu tại Hội nghị lần này, Vĩnh Phúc thể hiện rõ mong muốn tăng cường liên kết với các địa phương Nhật Bản thì rất có thể sẽ có những cơ hội hợp tác mới.
Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần được đẩy lùi, cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều đang nỗ lực phục hồi kinh tế và tìm kiếm những hướng phát triển phù hợp hơn trong tình hình mới. Chúng ta cần làm gì để tăng cường kết nối, hợp tác hơn nữa, thưa Đại sứ?
Hai năm vừa qua, nền kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản chịu tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, cả hai nước đang thực hiện các nỗ lực phục hồi và tăng cường mạnh mẽ quan hệ. Tôi cho rằng, có ba lĩnh vực có thể phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hậu Covid-19.
Thứ nhất là dịch chuyển chuỗi cung ứng cùng với sự thay đổi trong dòng đầu tư. Trong bối cảnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra toàn cầu, làm thế nào để Việt Nam, và đặc biệt là Vĩnh Phúc, có thể thu hút đầu tư mới là một điểm rất quan trọng trong mối quan hệ kinh tế hậu Covid-19.
Thứ hai là chuyển đổi số, chẳng hạn như sự thay đổi cách thức làm việc, gia tăng làm việc trực tuyến, hay gia tăng tỷ trọng của thương mại điện tử. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi số và đây là “từ khóa” quan trọng trong giai đoạn hậu Covid.
Thứ ba là phát triển “xanh”. Hội nghị COP26 được tổ chức vào năm 2021, cho thấy, xu hướng “xanh hóa“, ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng hơn. Theo quan điểm của tôi, những nước tận dụng tốt nguồn năng lượng tái tạo sẽ có sức hút đầu tư lớn. Do đó, “xanh“ cũng là một “từ khóa“ quan trọng.
Nhật Bản sẽ chú trọng ba yếu tố này và mong muốn có thể dựa trên những yếu tố đó để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.