Tại Trụ sở Ban thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, cuộc họp lần thứ 51 Nhóm Đặc trách sáng kiến liên kết ASEAN (IAITF) đã diễn ra ngày 31/3, dưới sự chủ trì của Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN. Đây là cuộc họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch Nhóm Đặc trách năm 2017.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) là khuôn khổ chủ chốt cho hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài. Đại sứ cũng khẳng định trên cương vị Chủ tịch Nhóm đặc trách IAI năm 2017, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy triển khai hiệu quả kế hoạch công tác, qua đó tạo đà tiến triển cho các năm tiếp sau.
IAI là khuôn khổ chủ chốt cho hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài. (Nguồn: Kinibiz) |
Kiểm điểm tiến độ thực hiện, các nước đã ghi nhận quá trình triển khai kế hoạch công tác đã đạt những kết quả bước đầu. Trong số 26 dòng hành động nêu trong kế hoạch, 11 dòng hành động đã có các dự án, hoạt động cụ thể đang và sắp đưa vào triển khai, với tổng ngân sách ước tính hơn 1,76 triệu USD. Ngay tại cuộc họp, một số nước trong nhóm ASEAN-6 (nhóm những quốc gia ASEAN phát triển hơn) đã thông báo kế hoạch tổ chức những dự án trong khuôn khổ các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Kế hoạch công tác. Với bên ngoài, nhiều đối tác của ASEAN cũng đã bày tỏ quan tâm và mong muốn tham gia hỗ trợ ASEAN trong những lĩnh vực phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cuộc họp nhận định việc triển khai kế hoạch còn không ít khó khăn, trong đó có các vấn đề về nguồn tài chính, công tác thông tin quảng bá và năng lực của các nước nhóm Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV). Để khắc phục những trở ngại này, các nước nhất trí trước hết cần khai thác và vận dụng tối đa những cải tiến trong nội dung kế hoạch công tác, trong đó có tính trọng tâm, trọng điểm, đề cao hành động và kết quả cụ thể cùng cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng thực thi. Ngoài ra, các nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, quảng bá về nội dung kế hoạch cũng như cách thức tham gia, đồng thời tiếp tục thực thi các chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước CLMV để xây dựng các dự án đáp ứng nhu cầu thiết thực, cụ thể tại địa phương.
Bên cạnh việc triển khai Kế hoạch công tác mới, cuộc họp nhất trí tiếp tục những dự án thuộc các kế hoạch trước nhưng vẫn phù hợp, trong đó có việc tiếp tục chương trình cử cán bộ thực tập tại Ban thư ký ASEAN cho các nước CLMV. Các nước cũng đồng ý cho phép đăng tải thông tin về các dự án IAI đã được triển khai từ trước tới nay lên trang web của Ban thư ký, vừa là để ghi nhận đóng góp của các nước ASEAN-6 và đối tác, vừa giúp các nước này có cơ sở tham khảo khi xây dựng các dự án hợp tác mới, tránh trùng lắp.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm khẳng định trong năm 2017, với tư cách là Chủ tịch của nhóm công tác, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, đặc biệt là với các nước CLMV để xây dựng được cơ chế, bộ máy tốt nhất cho triển khai sáng kiến này. Sắp tới sẽ có một số cuộc tham vấn cấp quốc gia ở các nước CLMV cùng những buổi tham vấn trong khu vực để thảo luận việc hình thành cơ chế, bộ máy trong thời gian tới nhằm triển khai Kế hoạch công tác 3. Theo ông Nguyễn Hoàng Năm, một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng, đó là phối hợp với các nước trong thời gian tới để tiến hành các hoạt động trao đổi nhằm quảng bá Kế hoạch công tác 3, đặc biệt là tới các quốc gia tài trợ, các nước đối tác, đối thoại của ASEAN cùng một số tổ chức khác
Theo Kế hoạch công tác năm 2017, Nhóm đặc trách dự kiến sẽ có các cuộc họp định kỳ dưới sự chủ trì của Việt Nam vào tháng 7 và tháng 10. Ngoài ra, nhóm cũng sẽ có các cuộc tham vấn với đối tác cũng như tiến hành một số hoạt động thông tin, quảng bá.
Được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN hồi tháng 9/2016, Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) lần ba đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn 2016-2020, bao gồm: Lương thực và nông nghiệp; thuận lợi hóa thương mại; phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs); giáo dục; y tế và phúc lợi. Tương ứng với mỗi lĩnh vực ưu tiên là các dòng hành động để giúp CLMV đạt được những mục tiêu hợp tác đề ra. Ngoài ra còn các hành động hỗ trợ về năng lực cho CLMV trong tham gia và thực thi các hoạt động, dự án hợp tác. Hiện tại, Ban thư ký ASEAN đã cùng CLMV xây dựng tài liệu khái niệm cho hầu hết các dòng hành động, qua đó tạo cơ sở để xây dựng và triển khai các dự án cụ thể.
Về cơ chế triển khai, ngoài Nhóm đặc trách với chức năng điều phối khu vực, mỗi nước CLMV đã xác định các vị trí điều phối quốc gia và cơ quan đầu mối cho từng lĩnh vực ưu tiên. Về phía Việt Nam, cơ quan điều phối quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đầu mối gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (lĩnh vực lương thực và nông nghiệp), Tổng cục Hải quan (thuận lợi hoá thương mại), Bộ Công thương (MSMEs), Bộ Giáo dục và Đào tạo (lĩnh vực giáo dục) và Bộ Y tế (lĩnh vực y tế và phúc lợi).