Với 8 phiên nghị sự về định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, các phiên chiến lược về tiêu dùng, tương lai ngành chế tạo, sản xuất gạo của Việt Nam, công nghệ cho phát triển, phát triển công nghiệp Việt Nam, đầu tư tại Việt Nam và định vị Việt Nam trên bản đồ địa chính trị thế giới, Hội nghị muốn truyền tải thông điệp quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về đổi mới toàn diện, cải cách mạnh mẽ kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.
Ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế và ông Đặng Xuân Dũng, Tổng Biên tập báo Thế giới & Việt Nam tổng duyệt các sự kiện bên lễ Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Qua đây, Việt Nam cũng khẳng định cam kết của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề cao tinh thần khởi nghiệp, nhất là khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đến năm 2020...
Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới
Với vai trò là nhà tổ chức sự kiện quốc tế có uy tín, The Economist đã có “thương hiệu” trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về các sự kiện Hội nghị quốc tế với hình thức tương tự ở những nền kinh tế có tiềm năng phát triển nổi bật như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Việc The Economist lần thứ tư chủ động đề nghị Việt Nam là đối tác tổ chức sự kiện, cho thấy đánh giá cao của tổ chức này, cũng như giới doanh nhân quốc tế về thành tựu kinh tế, cũng như niềm tin vào tiềm năng, triển vọng phát triển của Việt Nam. Đặc biệt họ đã đặt sự kỳ vọng lớn - Việt Nam sẽ có cải cách mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới với các cơ hội, lợi ích từ hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu được hiện thực hóa.
Theo The Economist, năm 2016 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam khi đội ngũ lãnh đạo quốc gia mới bắt tay điều hành đất nước, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn bao giờ và Việt Nam tiếp tục có vai trò quan trọng trong cấu trúc hợp tác khu vực.
Tháng 1/2008, với tên gọi "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á", Hội nghị Kinh tế Đối ngoại Việt Nam lần thứ nhất đã tạo dấu ấn quan trọng, là một trong những sự kiện tiêu biểu đầu năm 2008. Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư quốc tế. Theo kế hoạch chỉ có 150 doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị bàn tròn, nhưng con số thực tế đã lên hơn gấp đôi, cùng khoảng 50 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hơn 100 doanh nghiệp lớn trong nước. Sự tham dự và nội dung trao đổi thẳng thắn, thiết thực của người đứng đầu Chính phủ, cùng các lãnh đạo Bộ, ngành đã tạo ấn tượng và được đánh giá rất cao. Thành công của Hội nghị đã góp phần tạo cảm hứng và sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao giải Ngôi sao Kinh doanh - sự kiện bên lề Hội nghị Kinh tế Đối ngoại lần thứ nhất, năm 2008. |
Hội nghị Kinh tế Đối ngoại Việt Nam lần thứ II với chủ đề "Định vị Việt Nam trong tương lai" (3/2009), với 100 đại biểu các bộ ngành và doanh nghiệp trong nước và 120 đại biểu của các công ty và tập đoàn nước ngoài. Trong tình hình khó khăn chung trên toàn cầu, có rất nhiều đánh giá bi quan về tương lai của kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng, nhưng các đại diện đến từ các tập đoàn xuyên quốc gia vẫn bày tỏ quan điểm lạc quan và niềm tin vào kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trung và dài hạn. Truyền thông điệp quyết tâm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn của Chính phủ Việt Nam, Hội nghị đã góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào triển vọng phát triển của Việt Nam.
Lần thứ ba, Hội nghị Kinh tế Đối ngoại có chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới” (1/2012) đã thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam, vừa trải qua một năm đầy sóng gió và bước vào năm mới với những dự báo không mấy lạc quan. Nhưng niềm tin của cộng đồng quốc tế vào tương lai của Việt Nam đã thực sự khích lệ những người đang thực hiện nhiệm vụ kết nối tiềm năng trong nước với các nguồn lực từ bên ngoài.
Việt Nam – “con hổ” châu Á mới
2016 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020 với quyết tâm của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng chủ động và sâu rộng... Nhờ các liên kết kinh tế quốc tế và khu vực, tiềm năng tiếp cận thị trường đa dạng của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao, trong đó có việc ký kết và hiện thực hóa các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)...
Ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế và ông Đặng Xuân Dũng, Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam tổng duyệt các sự kiện bên lễ Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với đánh giá đầy khả quan, The Economist cho rằng, dù tăng trưởng tại các thị trường mới nổi có thể đang chậm lại, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. The Economist Intelligence Unit dự báo, GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2016 và còn cao hơn nữa trong năm 2017. Nhờ nhiều năm tăng trưởng vững chắc, Việt Nam đã chính thức trở thành một nước có thu nhập trung bình. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, một phần nhờ vào những chính sách kinh tế đột phá, lâu dài và ổn định.
Hiện có hơn 21.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens… Việt Nam đang trở thành quốc gia công xưởng sản xuất điện tử của khu vực.
Những cơ sở quan trọng trên, cùng với tiềm năng về lực lượng lao động, giúp Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho phát triển, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. The Economist cho rằng, nếu Việt Nam duy trì được tăng trưởng 7% trong thời gian tới thì hoàn toàn có thể phát triển như các “con hổ” châu Á khác.
Bên lề Hộị nghị Kinh tế đối ngoại 2016, Báo Thế giới & Việt Nam và Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức Triển lãm “Thành tựu kinh tế đối ngoại và môi trường đầu tư tại Việt Nam” và Gala dinner “Kết nối và Hội nhập”. Đối tượng tham gia là các dự án địa phương và các doanh nghiệp tiêu biểu đạt các tiêu chí sau: - Các dự án tiêu biểu đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất tại địa phương. - Các dự án cần kêu gọi đầu tư, những tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong việc thu hút đầu tư cho các ngành và lĩnh vực trọng điểm. - Các thành tựu Kinh tế và Đối ngoại mà địa phương đã đạt được trong 5 năm (2011 - 2015). - Các doanh nghiệp địa phương tiêu biểu hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, không vi phạm pháp luật đến thời điểm giới thiệu, có mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh an toàn đối với môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, có đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. - Lãnh đạo đơn vị đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt có chiến lược đúng đắn trong phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế xanh. - Hội nhập quốc tế và năng lực phát triển: Chiến lược phát triển kinh doanh; Tiếp cận thị trường thương mại; Xây dựng và Phát triển thương hiệu. - Ứng dụng và đổi mới công nghệ: Ngân sách dành cho công tác nghiên cứu và đổi mới công nghệ; Đóng góp trong phát triển công nghệ cao; ứng dụng Công nghệ xanh góp phần bảo vệ môi trường. - Hiệu quả quản lý: Tốc độ tăng trưởng bình quân và lợi nhuận; Tiêu chuẩn quản lý; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Cơ cấu tổ chức và điều hành theo tiêu chuẩn. - Công tác xã hội: Tích cực Tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; Có nhiều thành tích trong công tác an sinh xã hội, phát triển cộng đồng. |