📞
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đàm phán FTA với các nước ASEAN

18:48 | 13/02/2020
TGVN. Trả lời báo chí bên lề Hội nghị của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) diễn ra từ ngày 12-13/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể, cả về hợp tác nội khối và ngoại khối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Quốc Khánh trả lời báo chí bên lề Hội nghị của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 ngày 13/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Diễn Tú)

Hội nghị của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) đã thu được những kết quả gì nổi bật, thưa Thứ trưởng?

Nhóm Đặc trách Cao cấp của ASEAN về Hội nhập Kinh tế ASEAN bao gồm các quan chức cấp Thứ trưởng của các quốc gia ASEAN. Mục tiêu của nhóm là thảo luận các vấn đề mang ý nghĩa chiến lược về tầm nhìn và các hoạt động hợp tác về hội nhập kinh tế của khu vực ASEAN, từ đó đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho các Bộ trưởng kinh tế để báo cáo lên các nhà lãnh đạo của ASEAN.

Tại kỳ họp lần thứ 37 lần này ở Hà Nội, nhóm Đặc trách Cao cấp đã bàn một số vấn đề về cả hợp tác kinh tế nội khối và ngoại khối. Về hợp tác kinh tế nội khối, nhóm tập trung xem xét đề cương báo cáo, đánh giá lại kế hoạch tổng thể về thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025. Chúng ta đã đi một nửa chặng đường và đã đến lúc cần có một đánh giá sơ bộ xem chúng ta đã đạt được những kết quả gì. Trên cơ sở đánh giá sơ bộ đó để đưa ra các định hướng cho việc thiết lập AEC. Lần này, nhóm đặc trách cao cấp đã phê duyệt được đề cương báo cáo và giao cho Ban Thư ký ASEAN thực hiện.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lần này, nhóm đã bàn bạc và ra được các chương trình để Ban Thư ký ASEAN tiến hành nghiên cứu về sự sẵn sàng của các nước ASEAN, từ đó đưa ra chiến lược tổng thể để các nước có thể bắt kịp được với trào lưu mới, ứng phó với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Về hợp tác kinh tế ngoại khối, nhóm đã xem xét được hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là tiêu chí để lựa chọn đối tác đàm phán tiềm năng với các nước ASEAN, hướng đến đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), khu vực thương mại tự do... Lần này, nhóm cũng đã xem xét các tiêu chí để lựa chọn đối tác trong tương lai.

Vấn đề quan trọng hơn, nhóm đặc trách đã xem xét lại toàn bộ quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), từ đó đưa ra định hướng cho việc đàm phán RCEP trong năm nay. Mục tiêu là hướng tới việc ký kết Hiệp định RCEP trong thời gian sớm nhất.

Hội nghị đã đưa ra những đề xuất gì để chúng ta có thể tiếp tục hoàn thiện Hiệp định RCEP?

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 vào tháng 11/2019 ở Bangkok (Thái Lan), các nhà lãnh đạo đã đưa ra Tuyên bố chung, theo đó, các nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn Hiệp định RCEP và kết thúc về cơ bản việc đàm phán mở cửa thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để đạt được giải pháp thoả đáng cho tất cả các bên.

Tất cả các nước tham gia RCEP đều sẵn sàng dành cho Ấn Độ một khoảng thời gian để thảo luận thêm, hướng đến mục tiêu kết thúc toàn diện đàm phán trong năm nay.

Hiện nay, tất cả các nước ASEAN đều đang cố gắng để thực hiện mục tiêu này. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta cũng như các nước ASEAN đều hiểu những điều cần thảo luận thêm với Ấn Độ là những vấn đề tương đối khó khăn.

Tuy nhiên, tất cả các nước sẽ cố gắng tối đa để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu của Ấn Độ, vừa đáp ứng được yêu cầu của ASEAN. Quan trọng nhất, phải đảm bảo được chất lượng cao của Hiệp định RCEP.

Trên tinh thần đó, tại Hội nghị lần này, Việt Nam và các nước ASEAN đưa ra nhiều sáng kiến để có thể thảo luận với Ấn Độ trong thời gian tới. Tất cả hướng đến mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm nay tại Việt Nam.

Việt Nam đã thể hiện vai trò của nước chủ nhà của ASEAN 2020 trong cuộc họp lần này như thế nào?

Trong Hội nghị lần này, Việt Nam đã thể hiện rất tích cực vai trò của nước Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra tác động tới rất nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Bối cảnh tổ chức Hội nghị lần này vì thế cũng có những khó khăn nhất định. Chủ tịch của nhóm đặc trách – Thứ trưởng Bộ Thương mại Singapore đã không thể sang dự Hội nghị để ứng phó với tình hình dịch bệnh tại Singapore.

Để Thứ trưởng Bộ Thương mại Singapore vẫn có thể tham gia điều hành được phiên họp lần này, phía Việt Nam đã bố trí riêng một đường truyền video. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam để bảo đảm các hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN được diễn ra suôn sẻ. Việc Hội nghị nhóm Đặc trách Cao cấp có thể diễn ra tại Hà Nội theo kế hoạch cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam.

Về mặt nội dung, tại lần họp lần này chúng ta đã có những đóng góp đáng kể, cả về hợp tác nội khối và ngoại khối, đặc biệt là những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đàm phán với một số đối tác như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh kinh tế Á Âu (EEU).

Chúng ta cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình đàm phán để giúp các nước ASEAN có thêm cơ sở trong việc lựa chọn đối tác đàm phán FTA trong tương lai.

Bên cạnh đó, các quan điểm của Việt Nam về vấn đề đàm phán Hiệp định RCEP cũng được các ước ASEAN đánh giá rất cao.

Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiệu ứng của việc ký kết hai Hiệp định này đối với hợp tác kinh tế nội khối ASEAN?

Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được EP thông qua với tỷ lệ tán thành khá cao, đó là tin vui không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước ASEAN. Như vậy, trong ASEAN hiện nay, đã có 2 nước có FTA với EU là Việt Nam và Singapore. Đây là hình mẫu tốt để các nước ASEAN nhìn vào, trên cơ sở đó nghiên cứu có một FTA tương tự với EU.

Tuy nhiên, tất cả các nước trong khu vực ASEAN và EU đều mong muốn sẽ có một hiệp định lớn giữa 2 khu vực. Hiện nay, chúng ta với tư cách là nước điều phối giữa ASEAN và các nước trong EU cũng đang cố gắng để thúc đẩy ý tưởng này.

Ngoài ra, các nước đều đang rất quan tâm đến nội dung của EVFTA và sẵn sàng lắng nghe kinh nghiệm của Việt Nam để làm sao tiến hành nghiên cứu trong thời gian sớm nhất về khả năng có một FTA giữa hai khu vực.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(thực hiện)