Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng tham dự Cuộc họp trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị điều chỉnh thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36 tới cuối tháng 6/2020 do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới.
Nhất quán tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng tổ chức các hoạt động hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với các ưu tiên và các kết quả dự kiến.
Trong cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, cấp Thứ trưởng Ngoại giao, diễn ra bằng hình thức trực tuyến ngày 18/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam thông báo Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho Hội nghị, chú trọng an ninh, an toàn cao nhất cho tất cả đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng đề nghị các nước phối hợp chặt chẽ cùng nước Chủ tịch về chuẩn bị nội dung và công tác lễ tân hậu cần, đảm bảo cho thành công của Hội nghị. Thứ trưởng cũng lưu ý các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN về tiến độ triển khai các kết quả ưu tiên trong năm ASEAN 2020, trong đó có các kết quả cần sớm được hoàn thành trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (tháng 8/2020) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).
Sự bùng phát và lây lan của dịch Covid-19 đã buộc các nước phải dành ưu tiên hàng đầu cho ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Điều này cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch công tác cả năm 2020 cũng như các hoạt động xây dựng Cộng đồng của ASEAN. Theo thống kê của Ban thư ký ASEAN, hơn 200 hoạt động của ASEAN đã bị hoãn lại hoặc bị hủy vì Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định rõ cần nỗ lực và bằng nhiều hình khác nhau để duy trì được các hoạt động của ASEAN, cố gắng bảo đảm tiến độ triển khai kế hoạch, các kết quả mà ASEAN dự kiến trong năm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” mà Việt Nam đã đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là hoàn toàn xác đáng.
Những nỗ lực Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này. Thứ nhất, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN; theo đó, Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, Việt Nam đã chủ động đề xuất, điều phối các hoạt động cụ thể của ASEAN hướng đến việc chống dịch bệnh như ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch bệnh Covid-19 vào ngày 14/2 trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch, tổ chức các cuộc họp của Hội đồng điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và tổ chức họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và tổ chức các cuộc họp dưới hình thức trực tuyến.
Chính chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đã làm phép thử cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. So với các khu vực khác trên thế giới, ASEAN đã chủ động gắn kết với nhau để phòng chống dịch bệnh và bước đầu đã có những biện pháp ứng phó mang lại hiệu quả. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.
Đậm chất ASEAN
Báo chí và các chuyên gia quốc tế thời gian qua đã dành nhiều lời khen ngợi cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Báo Sakai, một tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu tại Nhật Bản vừa có bài viết khẳng định Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bài báo cho rằng những thách thức lớn đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn cũng như diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) với sự tham gia của các nước lớn như Nga và Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt vai trò lần này.
Bài báo cũng cho rằng Việt Nam với kinh nghiệm kiểm soát Covid-19 sẽ có cơ hội tốt để cùng các nước thảo luận về cách ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị mở rộng với sự tham gia của các nước lớn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn góp phần ổn định môi trường an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Với việc duy trì chính sách ngoại giao cởi mở, chú trọng liên kết với các nước trong khối, đồng thời tranh thủ và thu hút các nước lớn, Việt Nam có thể tận dụng vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 để thúc đẩy các lợi ích của mình cũng như an ninh khu vực. Bài báo cũng khẳng định năm 2020 sẽ là thời điểm để các nước trong khối ASEAN một lần nữa khẳng định vai trò của “tính trung tâm của ASEAN” cũng như sự “độc lập” và “tự chủ”. Bài báo cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong việc triển khai chính sách ngoại giao “đậm chất ASEAN”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng chung, đặc biệt trong thời điểm khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Theo ông, Việt Nam đang làm rất tốt việc nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong đối ngoại với các đối tác và các tổ chức quốc tế.
Tiến sĩ Robin Ramcharan, giảng viên Đại học Webster Thái Lan, Giám đốc điều hành Trung tâm châu Á có trụ sở tại Bangkok nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã khéo léo dẫn dắt ASEAN trong cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm đưa ra quyết định đầy trách nhiệm đối với việc chuyển Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sang tháng 6/2020. Việt Nam cũng đã tham gia vào việc xử lý khủng hoảng thông qua tất cả các kênh đối thoại hiện có, đồng thời đã huy động được một sự phản ứng mang tính gắn kết của ASEAN thông qua Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Phản ứng tập thể của ASEAN đối với đại dịch Covid-19.
Theo Tiến sĩ Robin Ramcharan, Việt Nam được đánh giá cao như một hình mẫu trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng, khi nước này có số ca nhiễm thấp và chưa có trường hợp nào tử vong. Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nghiêm khắc từ rất sớm so với các nước khác trong khu vực. Các biện pháp hiệu quả đã được áp dụng gồm có truy nguyên nguồn lây, nhận diện và cách ly người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc, cả F1 và F2, đồng thời kiểm soát nghiêm túc các ca nghi nhiễm. Trong thời điểm làn sóng lây nhiễm thứ hai chuẩn bị xuất hiện, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xét nghiệm trên diện rộng trong khả năng nguồn lực của mình.
Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về dịch Covid-19 được Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi ví như biểu tượng của tình đoàn kết trong khu vực và thể hiện rõ vai trò của Khối trong việc phối hợp hành động trước thảm họa chung. Các Hội nghị ASEAN sẽ mang đến cơ hội lớn và thể hiện quyết tâm đoàn kết của Khối trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các nước đối tác của khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có nhiều điều kiện để hỗ trợ cho ASEAN về cả kinh nghiệm lẫn vật chất.