TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) |
TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), người thường xuyên theo dõi, bình luận các vấn đề quốc tế, trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thường xuyên quan sát các vấn đề quốc tế, ông có thể cho biết nội dung cốt lõi của thỏa thuận chung về liên minh đánh thuế các công ty đa quốc gia?
Tư tưởng cốt lõi của thỏa thuận này là hướng tới giảm thiểu tác động của việc các công ty chuyển lợi nhuận từ quốc gia và lãnh thổ có thuế suất cao hơn sang quốc gia và lãnh thổ có thuế suất thấp hơn. Tuyên bố chung lần này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình “thỏa thuận marathon” kéo dài từ năm 2013. Theo đó, Mỹ và các nước khác trong G7 đều chấp nhận nhượng bộ.
Thỏa thuận này có 2 trụ cột quan trọng.
Thứ nhất, các quy định buộc các công ty “toàn cầu” (global firms) có lợi nhuận biên ít nhất 10% sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh (thay vì ở quốc gia mà họ đặt trụ sở) với phần lợi nhuận cao hơn mức 10%. Theo thỏa thuận ban đầu, ít nhất 20% của phần lợi nhuận thặng dư đó cần phải được tính cho nơi tạo ra doanh thu, nghĩa là chính quyền ở các nơi này phải thu được thuế. Đây được xem là một cách đánh thuế “công bằng hơn” (như nước Anh tuyên bố).
Nhiều công ty công nghệ như Google, Microsoft và Facebook đang tận dụng việc đặt trụ sở ở những thiên đường thuế như Ireland, Singapore hay Bermuda để trả rất ít thuế. Chẳng hạn, chi nhánh tại Ireland của Microsoft không trả một đồng thuế nào từ lợi nhuận 315 tỷ USD trong năm 2020 vì chi nhánh này đăng ký ở Bermuda.
Thứ hai, các nước G7 cũng đồng ý mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%. Đây là một động thái để tránh “cuộc đua về đáy”, nghĩa là các nước đua nhau hạ thuế suất để cạnh tranh thu hút các công ty về mở trụ sở nhằm thu được thuế.
Mỹ chấp nhận nhượng bộ không ít trong vấn đề này, vì các công ty bị ảnh hưởng mạnh chính là các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Đổi lại, có thể các nước châu Âu sẽ bỏ đi một số khoản thuế đánh lên các giao dịch số. Mặt khác, với việc đồng ý thỏa thuận thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu giữa các nước G7, Mỹ có thể yên tâm tăng thuế trong nước mà không sợ bị các nước khác hạ thuế quá thấp làm các công ty rời khỏi Mỹ.
Như vậy, có thể hiểu, các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ ở nước nào có phát sinh doanh thu thì nộp thuế ở đó, chứ không được chuyển về những thiên đường thuế như BVI, Ireland... như trước đây. Quy định này chỉ áp dụng với các nước trong khối G7 hay áp dụng toàn cầu, thưa ông?
Cho đến thời điểm này, chưa biết cụ thể thỏa thuận này sẽ áp dụng rộng rãi đến đâu. Bởi vì phần 2 của thỏa thuận liên quan đến mức thuế suất tối thiểu 15% và nhiều quốc gia không đáp ứng nhu cầu này. Mặt khác, một thỏa thuận quá rộng lớn sẽ rất khó thông qua ở Quốc hội Mỹ vì nhiều công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng về vấn đề thuế suất nói trên.
Hơn nữa, không nên quá lạc quan rằng, tất cả lợi nhuận phát sinh ở một quốc gia thì được tính thuế. Theo thỏa thuận ban đầu, chỉ 20% phần lợi nhuận vượt trội trên ngưỡng 10% thì mới được “chia lại” về các quốc gia phát sinh doanh thu. Theo một số ước tính ban đầu của các ngân hàng đầu tư, thực tế, mức tăng doanh thu thuế của các nước G7 tham gia có thể rất hạn chế, chỉ vài phần trăm.
Lợi ích lớn nhất của thỏa thuận này có lẽ là việc cho thấy Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với các nước trong vấn đề thuế quan và thương mại cũng như về hoạt động của các công ty đa quốc gia, tránh việc trừng phạt lẫn nhau bằng những sắc thuế khác nhau, trong khi các công ty lại tránh được hầu hết các khoản thuế đó do sự bất hợp tác, gây chiến thương mại và thuế quan với nhau giữa các quốc gia.
Thưa ông, liệu thỏa thuận này có hạn chế được tình trạng chuyển giá của một số công ty đa quốc gia hoặc né thuế của một số “Big Tech” (công ty công nghệ lớn) tại Việt Nam?
Về cơ bản, thỏa thuận này sẽ hạn chế bớt tình trạng chuyển giá của một số công ty đa quốc gia về các thiên đường thuế, và một số nước hy vọng sẽ thu thêm nhiều tiền thuế hơn khi doanh thu phát sinh ở nước họ. Tuy nhiên, thỏa thuận này có bao gồm Việt Nam hay không, thì hiện vẫn chưa rõ, cần chờ thỏa thuận được thông qua nhiều vòng đàm phán nữa, cụ thể là tháng 7/2021 ở hội nghị của G20.
Cho dù thỏa thuận này được mở rộng hơn, không có gì đảm bảo nó có thể vượt qua “cửa” quốc hội ở nhiều nước. Một trong những rào cản lớn nằm ở ngay Quốc hội Mỹ, nơi các đại công ty sẽ lobby (vận động hành lang - PV) mạnh để các nghị sĩ yêu cầu có những điều chỉnh hoặc phủ quyết thỏa thuận này.
Theo ông, Việt Nam có nên ký một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc và những đối tác đang có nhiều tập đoàn lớn đầu tư tại Việt Nam?
Đây có thể là một gợi ý tốt cho Việt Nam đàm phán với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore - những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều tập đoàn đầu tư hoặc hoạt động ở Việt Nam để tránh chuyển giá.
Nhưng cần nhận thấy thực tế rằng, thỏa thuận này mất gần một thập kỷ thương lượng (từ năm 2013) mà mới có được một bước tiến lớn và vẫn còn rất xa đích đến. Mỹ chỉ chấp nhận nhượng bộ để đổi lại một cam kết thuế suất tối thiểu cũng như khả năng các nước châu Âu sẽ bỏ đi thuế giao dịch điện tử. Nghĩa là, chính quyền và công ty Mỹ cũng nhận được một số lợi ích nhất định trong chuyện chấp nhận nhượng bộ.
Trong trường hợp của Việt Nam, nước ta đang dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, vậy họ cần điều gì ở ta để phải ngồi lại nhượng bộ? Các thiên đường thuế như Singapore vì sao phải chấp nhận ngồi lại thương lượng? Chúng ta còn có thể ưu đãi thêm những gì để đổi lại một thỏa thuận thuế quan có lợi hơn cho ta? Đây chính là cái khó của Việt Nam khi đã đối xử ưu huệ với nhà đầu tư nước ngoài, khiến chúng ta đang có rất ít “tiền cược” trên bàn đàm phán.