Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Phạm Vinh Quang cùng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ đi sản văn hóa phi vật thể tại Morocco. (Ảnh: NVCC) |
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều tin vui về lĩnh vực di sản văn hóa. Xin ông cho biết ý nghĩa của những sự kiện này?
Vừa qua, “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, rồi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tại kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Có thể thấy, việc có di sản được ghi danh chính là niềm tự hào của cộng đồng, người dân, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam liên tục có các danh hiệu được UNESCO vinh danh không chỉ một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của quốc tế đối với các giá trị văn hóa của Việt Nam mà còn góp phần mang lại những cơ hội, nguồn lực và động lực để phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương, đồng thời tạo nên “thương hiệu quốc gia” và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đâu là những lý do mang lại những thành công và ghi nhận của UNESCO về các di sản văn hóa của Việt Nam vừa qua, thưa ông?
Việt Nam sở hữu kho tàng di sản văn hóa độc đáo, có khả năng lưu giữ, qua đó tự tạo nên sức hấp dẫn của riêng mình với những tài sản văn hóa quý giá…
Tính đến nay, Việt Nam đã có 46 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể, tám di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, ba di sản tư liệu thế giới, sáu di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới và ba công viên địa chất toàn cầu. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam.
Để có được thành công này, lý do đầu tiên phải kể đến là nhận thức về di sản văn hóa đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương được nâng cao, điều này thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương đối với công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh.
Bên cạnh đó, đây còn là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của cộng đồng, chính quyền các địa phương sở hữu di sản, với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Chính vì vậy, theo đánh giá của Ban thư ký Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam luôn là quốc gia có hồ sơ di sản đệ trình được chuẩn bị tốt, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, bạn bè quốc tế mong muốn học hỏi kinh nghiệm.
Để phát huy giá trị các di sản vừa được vinh danh, đặc biệt là nghệ thuật làm gốm của người Chăm đang cần bảo vệ khẩn cấp, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan triển khai những kế hoạch gì?
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.
Trên tinh thần đó, để phát huy giá trị các di sản vừa được vinh danh, đặc biệt là nghệ thuật làm gốm của người Chăm vừa được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thời gian tới, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, với tư cách là Ban thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cộng đồng, địa phương sở hữu di sản thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, trong đó có việc nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO.
Trong quá trình này, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương. Cụ thể đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm, dựa vào ý kiến thảo luận của cộng đồng và cam kết với UNESCO, ta cần tổ chức truyền dạy; quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn cơ bản làng gốm, đồng thời tiến hành kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu quảng bá gốm Chăm…