📞

Việt Nam sẽ tham gia công ước quốc tế về công nhận văn bằng Đại học

07:27 | 29/03/2017
Ngày 28/3, tại Hội thảo quốc gia Công nhận văn bằng giáo dục Đại học đã diễn ra tại Hà Nội, do Tổ chức UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức.

Tham dự có GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT),  Đại sứ Phạm Vinh Quang - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam,  TS. Libing Wang - Giám đốc bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng, Ủy ban Giáo dục UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cùng nhiều chuyên gia đến từ Australia, Trung Quốc và đại diện các trường đại học trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. (Ảnh Trịnh Anh Huy)

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chia sẻ: Một trong những thách thức của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến rất đa dạng và chất lượng rất khó kiểm soát. Có những chương trình trực tuyến chất lượng tốt không kém gì chất lượng các chương trình đào tạo truyền thống. Nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng này đang là một câu hỏi khó.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thêm, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ tham gia Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Công ước Tokyo 2011).

TS. Libing Wang chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Trịnh Anh Huy).

Trong khi đó, TS. Libing Wang, Giám đốc bộ phận đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng, Ủy ban UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định: “Sự kiện Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia Công nhận văn bằng giáo dục Đại học rất quan trọng bởi nó cho thấy Việt Nam đang hướng tới tham gia vào Công ước Tokyo 2011 về công nhận văn bằng giáo dục đại học khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo không chỉ thuyết phục Chính phủ Việt Nam về tầm quan trọng của Công ước mà cho thấy tầm quan trong của việc sinh viên Việt Nam có thể đi du học khắp nơi trên thế giới, tăng cường số lượng sinh viên cả hai chiều".

TS. Libing Wang cho biết thêm, hiện Australia, Trung Quốc và Newzealand đã thông qua Công ước. Sau Hội thảo này, ông hy vọng Việt Nam sẽ thông qua. Bản thân TS. Libing Wang đã tham dự 3 hội thảo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam và ông hy vọng cả ba nước sẽ sớm tham gia Công ước.

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận về các vấn đề như Nâng cao nhận thức các bên tại Việt Nam về công nhận văn bằng giáo dục đại học; Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Công ước Tokyo 2011; Hiểu mối liên hệ mật thiết giữa khung trình độ quốc gia, đảm bảo chất lượng công nhận văn bằng giáo dục đại học; chia sẻ và trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng để nâng cao hiểu biết về sự khác biệt giữa công nhận và xác nhận văn bằng; Hiểu rõ sự cần thiết của các bộ công cụ tiêu chí và cơ chế kiểm định chất lượng hỗ trợ cho công tác công nhận văn bằng.

Các thành viên thảo luận rất sôi nổi tại Hội thảo. (Ảnh: Trịnh Anh Huy)

Hội thảo còn đề cập đến các vấn đề như đảm bảo bình đẳng giới tính, tuổi tác trong công nhận văn bằng và trong học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng; Hiểu vai trò quan trọng của Trung tâm Thông tin Quốc gia về công nhân văn bằng (NIC) để nhận được thông tin về các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng, thông tin công nhận văn bằng… ở bậc giáo dục đại học một cách minh bạch, thông nhất, tin cậy, kịp thời và bình đẳng. 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT vừa thông tin, tính đến tháng 10/2016, có khoảng 130.000 công dân đang học tập ở nước ngoài. Từ năm 2000 tới tháng 10/2016 có 485 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã và đang được thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, trong đó có 96,7% số lượng chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài. Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện có nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài đặt chi nhánh tại Việt Nam.

Các đại biểu và diễn giả tham gia Hội thảo. (Ảnh: Trịnh Anh Huy)

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông; sự bùng nổ của cuộc cánh mạng 4.0 đã làm gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, đặc biệt là hình thức đào tạo trực tuyến. Từ số liệu trên cho thấy thấy, hiện số lượng của các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho Việt Nam rất lớn và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong những năm gần đây, hằng năm có gần 4.000 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. Điều đó cho thấy nhu cầu công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp ngày càng được xã hội quan tâm.

Các đại biểu và thành viên tham dự Hội thảo Quốc gia Công nhân Văn bằng Giáo dục Đại học (Ảnh. Trịnh Anh Huy)

Trong những năm qua, UNESCO đã đi tiên phong và là đầu mối để hỗ trợ 6 công ước về công nhận văn bằng tại 6 khu vực và tiến tới công nhận văn bằng giáo dục Đại học toàn cầu. Dưới sự chủ trì của UNESCO, Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung cho Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và công nhận văn bằng giáo dục Đại học ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (còn gọi là Công ước Tokyo 2011).

Công ước Tokyo 2011 mong muốn các dân tộc châu Á – Thái Bình Dương có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên văn hóa bằng các tạo điều kiện cho công dân của mỗi bên, đặc biệt là sinh viên và các giảng viên tiếp cận nguồn tài nguyên giáo dục của mỗi bên, thể theo các quy định của trong nước.