📞

Việt Nam-Thái Lan: 45 năm hợp tác sôi động

Apirat Sugondhabhirom 09:52 | 24/10/2021
Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 6/8/1976. Vì vậy, năm 2021 được xem là một dấu mốc quan trọng đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ hai nước. Trong suốt 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển toàn diện và trên mọi cấp độ bao gồm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam được nâng cấp vào năm 2019 được xem là kết quả của mối quan hệ lâu dài giữa Thái Lan và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Những nét tương đồng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa đã mang lại cho hai quốc gia một nền tảng quan hệ bền chặt.

Nhận thức được tầm quan trọng của Việt Nam, sau khi Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đặt trụ sở Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, năm 1992, Thái Lan cũng đã đề xuất mở thêm một cơ quan đại diện ngoại giao là Tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh với khu vực lãnh sự phụ trách gồm 22 tỉnh/thành phố tại khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh Apirat Sugondhabhirom. (Ảnh: NVCC)

Đây là khu vực trọng điểm về kinh tế, thương mại, đầu tư và cũng là nơi sinh sống của phần đông cộng đồng người Thái.

Ở cấp địa phương, Thái Lan và Việt Nam có 16 cặp tỉnh, thành có hợp tác, trong đó Tổng lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh phụ trách 9 cặp địa phương kết nghĩa. Quan hệ gắn bó đã góp phần tăng cường và củng cố mạng lưới kết nối vùng và tiểu vùng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động ở cấp độ địa phương trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục...

Điểm đến đầu tư, đối tác thương mại quan trọng

TP. Hồ Chí Minh và Bangkok đã đánh dấu kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ kết nghĩa vào năm 2020. Gần đây nhất, vào tháng 11/2019, ông Trần Lưu Quang, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn thăm chính thức Bangkok, chào xã giao Lãnh đạo thành phố Bangkok và gặp gỡ trao đổi với một số cơ quan hữu quan của Bangkok nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai thành phố.

Bangkok và TP. Hồ Chí Minh đều là các thành phố thí điểm trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN). Mục tiêu chính của việc xây dựng các thành phố thông minh bền vững là vì cuộc sống tốt đẹp của người dân ASEAN thông qua việc sử dụng công nghệ điều khiển - một lĩnh vực hợp tác khác mà các nước có thể cùng xúc tiến.

Về phương diện kinh tế, có thể nhận thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư và là đối tác thương mại quan trọng của Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã chọn đặt văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế chung của cả nước. TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi đặt trụ sở của Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (TBA).

Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang thăm Bangkok tháng 11/2019. (Nguồn: TLSQ Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh)

Đầu tư của lĩnh vực tư nhân của Thái Lan tại Việt Nam không những góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo việc làm mà còn hướng đến trách nhiệm đóng góp lại cho xã hội Việt Nam với tư cách là một người bạn và đối tác vì phúc lợi của người dân hai nước.

Có thể thấy điều này từ các hoạt động vì cộng đồng mà lĩnh vực tư nhân Thái Lan đã thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và liên tục, chẳng hạn như hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức từ thiện tại nhiều địa phương, hoạt động hiến máu nhân đạo, trao tặng học bổng, trồng rừng, hỗ trợ đồng bào Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19 mà cả thế giới hiện đang phải đối mặt.

Tăng cường ngoại giao nhân dân

Không những hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, Thái Lan còn đặt mục tiêu tăng cường hợp tác ở cấp độ nhân dân, là nền tảng quan trọng nhất của quan hệ hợp tác.

Tổng lãnh sự quán Thái Lan và cộng đồng người Thái thường xuyên phối hợp hoạt động với Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, Ban Liên lạc kiều bào Lào-Thái Lan (Ban Liên lạc Việt kiều từng sinh sống tại Thái Lan và CHDCND Lào), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam vào những dịp lễ quan trọng của cả Thái Lan và Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác chuyên môn, hiện nay tại hệ đào tạo cử nhân tiếng Thái thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng…Bộ Ngoại giao Thái Lan đều cử các tình nguyện viên Thái Lan để hỗ trợ việc giảng dạy trong khuôn khổ dự án phát triển việc giảng dạy tiếng Thái liên tục trong nhiều năm, góp phần thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam.

Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh cùng múa ramvong với cộng đồng người Thái và người dân Việt Nam tại sự kiện Tết cổ truyền của cộng đồng Thái tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/4/2021. (Nguồn: TLSQ Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, Thái Lan và Việt Nam cũng đã triển khai các dự án hợp tác phát triển như chương trình học bổng đào tạo quốc tế thường niên trong nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng số trên 35 khóa học cho các ứng viên Việt Nam trên khắp cả nước; dự án lắp đặt rạn san hô nhân tạo tại tỉnh Cà Mau nhằm mục đích gia tăng sự phong phú của nguồn tài nguyên dưới mặt nước và tăng số lượng sinh vật biển trên vùng biển Việt Nam nhằm góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm bền vững cho ngư dân địa phương...

Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh tin rằng tiềm năng của các tỉnh, thành trong khu vực lãnh sự và những tình cảm tốt đẹp có được cùng sự hợp tác giữa Thái Lan và TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển không ngừng của mối quan hệ Thái Lan-Việt Nam ở cấp nhà nước và địa phương và là bánh răng quan trọng trong sự phát triển của ASEAN.

Đặc biệt trong bối cảnh những thách thức của tình hình thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sự lây lan của dịch Covid-19 hiện nay, Thái Lan và Việt Nam cần phải thắt chặt mối quan hệ để có thể vượt qua những trở ngại, thách thức và tận dụng các cơ hội trong kỷ nguyên “Bình thường mới” và thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số để hai quốc gia có thể đưa người dân của mình và của cả khu vực cùng vượt qua thách thức này và cùng nhau phát triển ngày càng vững mạnh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ 3:

"Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước".