Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin chụp ảnh cùng các Trưởng đoàn. |
Từ ngày 16-20/10, tại Bali, Indonesia, đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 61 của Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn, cùng đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 47 quốc gia thành viên, 11 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế là quan sát viên. Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin đã đến dự và có bài phát biểu đặc biệt nhấn mạnh 60 năm truyền thống của AALCO vẫn sống động với tinh thần Bandung (Đoàn kết-Thân thiện và Hợp tác).
Hội nghị năm nay tập trung vào các chủ đề pháp lý quốc tế được các quốc gia Á-Phi quan tâm hiện nay như không gian mạng, các chủ đề thảo luận tại Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC), Luật Biển quốc tế, tình hình tại Palestine và các vấn đề pháp lý quốc tế khác liên quan đến Palestine, môi trường và phát triển bền vững, Luật Thương mại và đầu tư quốc tế.
Chia sẻ tại Hội nghị, các nước khẳng định AALCO là diễn đàn lớn nhất và duy nhất quy tụ các chuyên gia pháp lý của châu Á và châu Phi, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước Á-Phi trong quá trình xây dựng và phát triển luật pháp quốc tế trên phạm vi toàn cầu, giúp duy trì chủ nghĩa đa phương cũng như đề cao vai trò của luật pháp quốc tế.
Trong năm 2023, các nước AALCO đã cùng đóng góp, thúc đẩy thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ).
Bên cạnh thúc đẩy nghiên cứu sâu các chủ đề luật pháp quốc tế, các nước cũng đề nghị AALCO tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực pháp lý quốc tế cho cán bộ pháp lý các nước Á-Phi.
Về tình hình tại Palestine, các nước lên án các cuộc tấn công bạo lực thời gian qua, đề nghị các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân, các cơ sở y tế và cơ sở thiết yếu phục vụ thường dân.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ và Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã tham gia thảo luận tích cực và phát biểu xây dựng tại nhiều chủ đề. Trong đó, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Việt Nam đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận tại Hiến chương Liên hợp quốc, như bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Đồng thời, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam nỗ lực đóng góp tích cực, thực chất vào tiến trình pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật quốc tế như tham gia điều phối quá trình đàm phán xây dựng các khuôn khổ pháp lý quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, là một trong những quốc gia đầu tiên ký Hiệp định BBNJ.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng tái khẳng định giá trị toàn vẹn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 như “Hiến pháp về biển và đại dương” và vai trò của Công ước trong giải quyết các tranh chấp về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi đầy đủ, hiệu quả văn kiện pháp lý quan trọng này.
Chia sẻ về việc Văn phòng đại diện của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội từ tháng 11/2022, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến tiềm năng và trung tâm nâng cao năng lực về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Liên quan đến tình hình xung đột tại Trung Đông, Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, bảo vệ dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ tiếp Tiến sĩ Kamalinne Pinitpuvadol, Tổng thư ký AALCO. |
Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam đã trao đổi với TS. Kamalinne Pinitpuvadol, Tổng thư ký AALCO. Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của AALCO và mong muốn tăng cường hợp tác với Ban thư ký AALCO.
Về phần mình, Tổng thư ký Pinitpuvadol cho biết AALCO sẵn sàng tiếp nhận cán bộ trẻ của Việt Nam sang thực tập hoặc ứng tuyển vào các vị trí của AALCO; mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) được thành lập năm 1956 tại Bandung, Indonesia với tên gọi ban đầu là Ủy ban tham vấn pháp luật châu Á. Tổ chức này chính thức được đổi tên năm 2001, với sự tham gia của cả các quốc gia châu Phi. Hiện AALCO gồm 47 thành viên và một số quan sát viên (gồm các quốc gia như Nga, Đức, Australia, New Zealand… và một số tổ chức khu vực-quốc tế). Sau thời gian làm quan sát viên, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của AALCO từ năm 2017. |
| Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức hội nghị và triển lãm về công nghệ của Hải quan thế giới Theo đề nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải ... |
| Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 217 Hội đồng chấp hành UNESCO Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã tham dự, phát biểu tại phiên khai mạc và có các cuộc gặp gỡ, trao ... |
| Thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp ... |
| Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy Thực hiện Kế hoạch số 328/KH-TLĐ ngày 25/5/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tăng cường phòng, chống ma túy cho công ... |
| Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị ... |