Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhân chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Tổ chức có nhiều ảnh hưởng
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thành lập năm 1960, hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển. Mục đích của OECD là tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển.
Chức năng của OECD là: Diễn đàn đối thoại giữa các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu về các vấn đề kinh tế-xã hội; tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn các nước thành viên trong hoạch định, phối hợp chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế.
Từ năm 2007, OECD thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á thông qua Nghị quyết đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Tháng 5/2014, theo sáng kiến của Nhật Bản, OECD chính thức công bố Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP).
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là trong các khuôn khổ ASEAN, APEC…
SEARP là một trong 5 chương trình khu vực dành cho các nước không phải thành viên nhằm quảng bá các giá trị của OECD và hỗ trợ tư cách thành viên. Một thành viên OECD và một nước không phải thành viên của tổ chức này sẽ giữ vai trò đồng Chủ tịch, trong đó Hàn Quốc và Thái Lan đã đồng chủ trì chương trình này từ năm 2018 đến nay. |
Chương trình hiện có 11 lĩnh vực trao đổi gồm thuế, đầu tư, giáo dục và đào tạo kỹ năng, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), kinh nghiệm điều hành chính sách, cơ sở hạ tầng bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh, thương mại, vấn đề về giới, và báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ.
Từ khi thành lập, Chương trình đã trải qua hai nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch (Nhật Bản và Indonesia cho nhiệm kỳ 2014-2018, Hàn Quốc và Thái Lan cho nhiệm kỳ 2018-2022). Việt Nam và Australia đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.
Hợp tác thực chất và hiệu quả
Đối với Việt Nam, tháng 3/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD; Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm công tác về Hiệu quả viện trợ.
Kể từ năm 2012, Việt Nam luôn xây dựng kế hoạch hợp tác song phương với OECD theo giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020. Tháng 11/2021, nhân dịp đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm song phương Pháp, hai bên đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác Việt Nam - OECD giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở bám sát phương hướng và khung chương trình hợp tác cụ thể với từng Bộ, ngành, hợp tác Việt Nam - OECD ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả. Triển khai Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2020, hai bên đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann: "Việt Nam là đối tác rất quan trọng của OECD tại khu vực Đông Nam Á, OECD mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian tới". |
Cụ thể, hai bên duy trì trao đổi đoàn ở các cấp khác nhau và tranh thủ tiếp xúc bên lề các hội nghị đa phương để trao đổi và thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Thư ký OECD bên lề Hội nghị G7 (tháng 8/2018 tại Canada và tháng 5/2016 tại Nhật Bản); các Phó Tổng Thư ký OECD thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 4/2019, tháng 2/2018, tháng 11/2017 và tháng 12/2016. Các Bộ, ngành cử đoàn cấp Bộ và tương đương thăm và làm việc tại OECD về các lĩnh vực chuyên môn như xây dựng Báo cáo đánh giá đa chiều, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và thực thi các chính sách quản lý hành chính công, đầu tư nước ngoài, giáo dục-đào tạo, thuế, …
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phối hợp với OECD tổ chức 2 sự kiện: Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội (ngày 14-15/6) với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”, Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OECD tại Hà Nội (ngày 6/12/2019).
Song song với đó, Việt Nam và OECD cùng phối hợp nghiên cứu và xây dựng 10 báo cáo ở lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Năm 2018, Việt Nam là đồng Chủ tịch Nhóm tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD (cùng với Thụy Sỹ) nhiệm kỳ 2018-2021.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với OECD xây Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam” (MDR). Báo cáo MDR được đánh giá là tài liệu công phu, có giá trị tham khảo và là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).
Ngoài ra, từ tháng 1/2019, theo đề xuất của OECD, Việt Nam và OECD đã đàm phán xây dựng Chương trình quốc gia, bao gồm 8-10 dự án hợp tác cụ thể thực hiện trong 3 năm 2020-2023. Chương trình quốc gia là cấp độ cao hơn trong hợp tác của OECD với một nước không phải thành viên. Các dự án hợp tác không chỉ gồm khuyến nghị, tư vấn chính sách mà còn hỗ trợ quá trình thực thi chính sách.
Tháng 11/2021, nhân dịp đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm song phương Pháp, hai bên đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác Việt Nam-OECD giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian tới, hai bên tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ MOU Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026 và phối hợp xây dựng Báo cáo OECD-ADB về Khảo sát số liệu kinh tế Việt Nam (dự kiến công bố vào tháng 7/2022).
Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD sẽ diễn ra tại Hàn Quốc. (Nguồn: oecd.org) |
Thành viên tích cực của Chương trình SEARP
Việt Nam là thành viên tích cực của Chương trình SEARP kể từ khi Chương trình thành lập năm 2014.
Hàng năm Việt Nam đều cử đoàn tham dự và đóng góp tại các Diễn đàn khu vực của OECD trong khuôn khổ Chương trình SEARP. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình SEARP đầu tiên vào tháng 3/2018 tại Tokyo, Nhật Bản.
Việt Nam là thành viên Ban Tư vấn Chương trình và được chọn là Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Australia.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế tiêu chuẩn cao của một tổ chức Việt Nam không phải là thành viên, khẳng định sự ghi nhận vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng của các nước OECD và khu vực đối với năng lực của Việt Nam trong gắn kết hiệu quả OECD và khu vực để đảm nhiệm thành công cương vị này.
Đây cũng là bước triển khai quan trọng chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Nhiệm kỳ Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP (2022-2025) cũng là giai đoạn Việt Nam phục hồi và phát triển, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, tạo tiền đề hướng tới các mục tiêu chiến lược năm 2030 và 2045.
Nhân dịp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 9-11/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD. |