Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Ngày 23/8/2017, phát biểu trước các cơ quan báo chí trong và ngoài nước nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Thủ tướng Binali Yildirim khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam, một quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ và có vị thế ngày càng tăng trong khu vực, là một trong những đối tác tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, hai nước có nhiều điểm tương đồng trong phát triển sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác. Phát biểu của Thủ tướng Binali Yildirim là sự thể hiện tình cảm chân thành dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam, nêu bật được mối liên hệ gắn bó và quan hệ hợp tác hữu nghị của hai nước trong suốt 4 thập kỷ vừa qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 07/6/1978.
Chia sẻ tương đồng
Tuy xa cách về địa lý, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với nhau những nét tương đồng trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước, cùng có truyền thống văn hóa lâu đời và đầy bản sắc. Ngày nay hai nước đều đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển đất nước, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Với lãnh thổ nằm cả trên châu Á và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước kinh tế phát triển, đứng trong nhóm 20 nước kinh tế phát triển nhất - G20, có sức ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế với các nước trong khu vực Trung Đông nói riêng và châu Á nói chung. Việt Nam, với chính sách chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào các liên kết kinh tế quốc tế, đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó có 15 thành viên của G20, đặc biệt là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN. Coi trọng quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy và mạnh mẽ trong khu vực. Đối với Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu tại Trung Đông. Hai bên có nhiều thế mạnh và tiềm năng để hợp tác và bổ trợ cho nhau, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng, đạt tới hơn 2 tỉ USD trong năm 2017, trong đó chủ yếu là sự đóng góp xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam với hơn 1,9 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 16 dự án và vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 8/2017. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Củng cố tin cậy chính trị
Nền tảng quan trọng của quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố. Hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, các ngành, đặc biệt chuyến thăm của Thủ tướng Binali Yildirim đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ hai nước, khi lần đầu tiên một Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thăm chính thức Việt Nam. Trước đó đã có hàng loạt các chuyến thăm lẫn nhau: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (6/1998); Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (11/1999); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (6/2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (2/2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2010; 5/2011) và nhiều lãnh đạo bộ, ngành thăm Thổ Nhĩ Kỳ; Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Bulent Arinc (2/2011) và hàng loạt các lãnh đạo bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Bộ Lao động và An sinh xã hội thăm Việt Nam... Những chuyến thăm đó, cùng với các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp (7 kỳ) và Tham vấn chính trị (3 kỳ) đã và đang mang lại những thành tựu hợp tác trên mọi mặt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ vậy, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước sớm ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và nhiều diễn đàn khác. Hai nước cùng quan tâm và hợp tác chặt chẽ trong việc chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tháng 7/2016, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - Turkish Airlines đã mở đường bay trực tiếp nối giữa Istanbul và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tần suất 1 chuyến/ngày. Đường bay này không chỉ mở ra một tuyến trung chuyển mới từ Việt Nam đi các nước khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông – châu Phi mà quan trọng nhất là góp phần tăng cường giao lưu nhân dân, mang những thương nhân và người dân hai nước xích lại gần nhau. Ngày nay mảnh đất nối liền Á - Âu này là địa điểm hấp dẫn nhiều người Việt Nam và món ăn nem, phở của Việt Nam cũng được nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ ưa thích…
Tăng cường gắn bó
Năm nay, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch đã, đang và sẽ được tổ chức. Những hoạt động kỷ niệm đó không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mà còn tăng cường gắn bó và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá những giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc đến một nền văn hóa lâu đời như Thổ Nhĩ Kỳ. Những thành quả đã đạt được trong 40 năm qua chính là những nền tảng quý giá để hai nước đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và hữu nghị tại hai khu vực nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Với tiềm năng sẵn có, với quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, chắc chắn mong ước của hai nước sẽ trở thành hiện thực: hợp tác cùng phát triển.
Vũ Hồng Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao