Việc ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Nguồn: Báo Giao thông) |
Ngày 31/5 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến 31/5 với thông điệp “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá”. Sự kiện được hỗ trợ của Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, việc ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi từ 26% (năm 2011) xuống 18% (năm 2020).
Để đạt mục tiêu này, từ hơn 10 năm qua, chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng các chi đoàn thanh niên không thuốc lá, trường đại học không khói thuốc, phát hành cẩm nang kỹ năng sống trong phòng, chống tác hại của thuốc lá và HIV/AIDS cho sinh viên.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn cho biết, từ nhiều năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh niên, sinh viên đã được Trung ương Đoàn chú trọng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú và phù hợp với thanh niên như: tổ chức các giải thể thao không thuốc lá cho sinh viên, thi biểu diễn tiểu phẩm phòng chống tác hại của thuốc lá, các sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá, tập huấn cho cán bộ Đoàn chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên tại các tỉnh, thành phố; bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc được triển khai tại các cơ sở Đoàn các cấp.
Theo Tiến sĩ Tom Carroll, Cố vấn cao cấp về Truyền thông và Vận động chính sách của Vital Strategies, trên thế giới, hầu hết những người nghiện thuốc là đều bắt đầu hút thuốc từ khi họ còn rất trẻ.
“Việc hút thuốc từ khi còn trẻ sẽ dẫn tới bệnh tật xuất hiện sớm hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn, vì vậy xây dựng một thế hệ trẻ không thuốc lá sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho các em và xây dựng một đất nước khỏe mạnh”, Tiến sĩ Tom Carroll nhấn mạnh.
Cuộc thi "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá". (Nguồn: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) |
Sau phần Lễ mít tinh, 1000 sinh viên sẽ cùng ký tên cam kết không sử dụng thuốc lá, xây dựng thế hệ trẻ văn minh không khói thuốc tại trang Vn0khoithuoc website, facebook page, đồng thời tham dự phần thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá” với sự hỗ trợ của Tổ chức Vital Strategies.
Mục tiêu chiến dịch nhằm phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Được biết, thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tiếp tục hỗ trợ Trung ương Đoàn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá điện tử, ngăn ngừa và giảm tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ, trong đó chú trọng vào việc truyền thông giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh niên tại các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do tác hại của thuốc lá, 70% tập trung ở các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam có tới 40.000 người. Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với tỷ lệ nam giới hút thuốc là 45,35% và đang có dấu hiệu trẻ hóa.
Việc hút thuốc từ khi còn trẻ sẽ dẫn tới bệnh tật xuất hiện sớm hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn. Vì vậy, xây dựng thế hệ không thuốc lá sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho các bạn trẻ và xây dựng một đất nước khỏe mạnh.