Việt Nam tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 Astra Zeneca do Chính phủ Pháp và Italy tài trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự buổi lễ về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế.
Về phía bạn có sự tham dự của Đại sứ Pháp Nicolas Warnery, Đại biện Đại sứ quán Italy Paolo Epifani, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tiến sỹ Kidong Park và Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Lesley Miller.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chính phủ và nhân dân Pháp và Italy, góp phần thiết thực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự phát triển năng động của quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Pháp và Italy trong những năm qua cũng như tình hữu nghị, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ khó khăn, vượt qua đại dịch.
Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến thành lập cơ chế COVAX nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu. Italy và Pháp là hai trong số các nhà tài trợ hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho cơ chế COVAX.
Hai nước cũng là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là Đối tác Phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ trưởng Tô Anh Dũng tin tưởng rằng, những đóng góp quý báu của Pháp và Italy cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy sớm mở cửa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định sẽ sớm phân bổ lô vaccine này cho các địa phương và bảo đảm việc sử dụng thiết thực và hiệu quả nhất.
Thay mặt cho cơ chế COVAX, Tiến sỹ Kidong Park cảm ơn những đóng góp của Pháp và Italy cho Việt Nam và cho cơ chế này. Với nguồn cung bổ sung vaccine từ hai nước, đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 11,7 triệu liệu vaccine phòng Covid-19 qua COVAX.
Ông Park tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm chủng dựa trên nguyên tắc ưu tiên những nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhân viên y tế, tuyến đầu, người cao tuổi, những người có bệnh nền.
Thay mặt Chính phủ Pháp, Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, quyết định phân bổ 672.000 liều vaccine của Pháp cho Việt Nam thể hiện tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, đồng thời phản ánh quá trình hợp tác thành công, lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh những đóng góp tài chính cho chương trình COVAX, Chính phủ Pháp cam kết chia sẻ 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêm chủng trên toàn cầu.
Thay mặt Chính phủ Italy, Đại biện Paolo Epifani đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và bày tỏ vui mừng được đóng góp 812.060 liều vaccine phòng Covid-19 cho chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam.
Là một trong những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Italy ủng hộ tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng Covid-19 trên tinh thần đoàn kết quốc tế và nguyên tắc “không ai được an toàn cho đến khi mọi người được an toàn”.
Cho đến nay, Italy và Pháp là hai trong số những quốc gia thành viên EU viện trợ vaccine phòng Covid-19 lớn nhất cho Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình vận động tích cực ở các cấp, trong đó có việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm và gửi thư cho Thủ tướng Pháp Jean Castex, Thủ tướng Italy Mario Draghi.